Laocaitv.vn - Thời điểm này, cùng với việc tập trung toàn lực để phòng, chống dịch Covid -19, người dẫn vẫn tích cực lao động sản xuất để đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Đối với nhiều người dân ở vùng cao Lào Cai, từ Tết Nguyên đán đến nay, thực hiện nghiêm túc yêu cầu của chính quyền, bà con không đi làm thuê tại Trung Quốc mà tập trung phát triển kinh tế tại địa phương. Tuy nhiên, với rất nhiều khó khăn, nhiều hộ dân mong muốn được hỗ trợ sinh kế để xóa đói, giảm nghèo bền vững ngay trên mảnh đất quê hương.
Bà con tập trung phát triển gia súc - giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19.
Tuyệt đối không đi làm thuê ở bên ngoài, đặc biệt là đi Trung Quốc. Điều này đang được bà con nhân dân thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai thực hiện hết sức nghiêm túc. Những ngày này, gia đình chị Sùng Thị Phổng tập trung chăm sóc đàn đại gia súc gồm 2 con trâu và 10 con bò theo phương pháp nuôi nhốt, vừa không tốn công chăn thả, vừa không phải đi xa, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Chị Sùng Thị Phổng, thôn Cốc Phà, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai chia sẻ: "Trước kia vì không biết chăn nuôi nên phải vất vả đi làm thuê. Cũng may hiện tại nhà tôi có nuôi ít trâu bò, nên dù không làm ở đâu cũng không sợ khó khăn quá. Cứ ở nhà chăm trâu, chăm bò cho yên tâm".
Cuối năm 2019, Cán Cấu có hơn 330 trường hợp lao động xuất cảnh làm thuê, nhưng nhờ sự quản lý chặt chẽ của cấp ủy chính quyền cùng với sự tuyên truyền tích cực làm thay đổi nhận thức của bà con nhân dân, tất cả các trường hợp đã quay về trước Tết Nguyên đán đều đang có mặt tại địa phương. Và thay cho cảnh đìu hiu, vắng vẻ sau Tết như những năm trước kia, trên những nương đồi của vùng cao Cán Cấu, bà con đã bắt tay vào lao động sản xuất, với mong muốn cải thiện thu nhập gia đình. Ông Tráng Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết: "Dù dịch Covid-19 có ảnh hưởng 1 chút đến kinh tế địa phương, nhưng bà con ở đây có ruộng nương, trâu bò để sản xuất nên cũng yên tâm hơn. Năm nay, diện tích phát nương tăng rất nhiều, hầu như không bỏ sót mảnh nương nào. Chúng tôi cũng tuyên truyền tìm giống mới, năng suất, hiệu quả để bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống".
Người dân tiếp cận với những mô hình kinh tế mới.
Còn tại vùng cao Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai, khó khăn lớn hơn, khi người dân thường xuyên đi làm ăn xa, ít đất sản xuất. Tạm thời, lực lượng lao động làm thuê trước kia ở tại thôn bản để phòng chống dịch bệnh và bắt đầu học cách tiếp cận với những hướng phát triển kinh tế mới. Về lâu dài, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên cũng đang tìm những trợ lực để giúp bà con có thêm sinh kế. Anh Hoàng Seo Hòa, thôn Tả Cán Hồ 2, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết: "Trên này chủ yếu là đi làm thuê, bây giờ thì Trung Quốc cấm rồi không đi được nữa, tôi ở nhà thôi, trồng cây thông, cây thảo quả, trồng lê, trông mận vài năm là có tiền".
Nhìn một cách tích cực, tình trạng lao động bỏ đi khỏi địa phương tại Si Ma Cai nói riêng, nhiều địa phương khác tại Lào Cai nói chung đã có những cải thiện đáng kể, phần nào đó làm thay đổi thói quen và nhận thức của bà con nhân dân. Người dân không còn vượt biên để tìm vận may bên kia biên giới, những thôn bản của vùng cao Lào Cai cũng nhộn nhịp, đông vui hơn. Và sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương về hỗ trợ sinh kế phù hợp sẽ là động lực để bà con yên tâm lao động sản xuất và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết