Thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa

12:11 31-07-2024 | :46

Laocaitv.vn - Định hình rõ các vùng sản xuất hàng hóa, năm 2024, giá trị các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực dự kiến sẽ tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm 2023. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 10 cũng đã bộc lộ một số khó khăn nhất định, cần được quan tâm tháo gỡ. 

Khó khăn nhất hiện nay là phục hồi lại diện tích chuối hàng hóa giảm mạnh do các vùng trồng lâu năm bị nhiễm bệnh vàng lá Panama. Bên cạnh đó, có cây trồng chủ lực nhưng năng suất chưa cao, như cây chè hàng hóa, mới đạt 76,3 tạ/ha, bằng 71% năng suất bình quân cả nước. Trong khi đó, cây quế có hiện tượng tăng trưởng nóng, phá vỡ quy hoạch. Tỉnh cũng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân để sản xuất theo chuỗi giá trị, nên đầu ra nông sản bấp bênh, có thời điểm khó tiêu thụ.

Diện tích chuối giảm mạnh do bệnh vàng lá Panama.

Giải quyết thực trạng này, ngành nông nghiệp đưa ra 6 nhóm giải pháp tháo gỡ. Đơn cử như với cây chuối hàng hóa, đơn vị chuyên môn đang giải quyết 2 vấn đề căn bản.

Bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Đơn vị tham mưu cho ngành giao Trung tâm Giống phối hợp với các cơ quan Trung ương nghiên cứu các dòng, giống chuối kháng bệnh Panama. Chúng tôi cũng tham mưu cho Sở hướng dẫn các biện pháp như là luân canh hay chuyển sang các vùng trồng khác”.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một giải pháp khác được ngành nông nghiệp tập trung đó là đổi mới toàn diện hoạt động khuyến nông, tập trung vào phương pháp tuyên truyền và xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân đạt giá trị cao trên các vùng sản xuất hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Dịch vụ nông nghiệp tỉnh chia sẻ: “Chuyển căn bản từ các mô hình kỹ thuật thuần túy sang các mô hình phát triển đa giá trị. Công tác tuyên truyền đã thay đổi, chuyển sang các nền tảng mạng xã hội. Chúng tôi cũng chuyển từ tập huấn ở hội trường ra ngoài thực địa, cầm tay chỉ việc để người dân nắm bắt được nhiều kiến thức, kỹ năng”.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tuy đã phân vùng sản xuất và đạt mức tăng trưởng khá, tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng nhận thấy việc đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp lớn cùng liên kết với nông dân để sản xuất theo chuỗi giá trị là hết sức cần thiết.

Sản xuất theo chuỗi giá trị chăn nuôi đại gia súc.

Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhấn mạnh: “Phải tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ở lĩnh vực chăn nuôi, trong đó, có 16 dự án phát triển chăn nuôi đang chuẩn bị và đã đầu tư. Hiện nay, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện, trong đó, quan trọng nhất là sản xuất giống, thức ăn tại chỗ và áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi”.

Các nhóm giải pháp khác như đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc; chế biến sâu để tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu... cũng sẽ được triển khai đồng bộ. Đây là cơ sở để Lào Cai phấn đấu giá trị các ngành hàng chủ lực đạt trên 6.500 tỷ đồng vào năm 2025 mà Nghị quyết 10 đã đề ra.

An Hồng – Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết