Thương mại điện tử mùa Covid-19

10:28 01-07-2021 | :1801

Laocaitv.vn - Những năm gần đây, trước sự bùng nổ của công nghệ số, thương mại điện tử đã và đang làm thay đổi đáng kể xu hướng của người tiêu dùng. Tại Lào Cai, để hạn chế tiếp xúc đông người, đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, đông đảo người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm qua ứng dụng trực tuyến và một số trang thương mại điện tử. Nắm bắt xu thế đó, không ít các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh cá thể đang nỗ lực đa dạng hóa các kênh phân phối bán hàng dựa trên nền tảng internet và các trang mạng xã hội.

Cửa hàng hoa quả sạch Fuji tại TP Lào Cai đang kinh doanh nhóm các mặt hàng hoa quả sạch và một số thực phẩm hàng đông lạnh thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Sở hữu vị trí kinh doanh đắc địa ngay tại trung tâm thành phố, vậy nhưng từ hơn 1 tháng nay, lượng khách trực tiếp đến mua sắm tại cửa hàng đã giảm đi đáng kể. Dù khách đến mua hàng giảm nhưng chị Trần Thị Trang, chủ cửa hàng cùng đội ngũ nhân viên lại khá bận rộn, bởi đơn hàng qua điện thoại và đặt online lại tăng gấp 3 đến 4 lần so với trước. Chị Trang cho biết: “Do dịch nên mọi người ở nhà đặt hàng rất nhiều, nhận được đơn thì nhân viên cửa hàng lấy đồ, cân hàng và ship cho khách. Để đảm bảo an toàn, nhân viên treo hàng ngoài cửa cho khách, khách thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Hơn 1 tháng trở lại đây, khách mua hàng online nhiều hơn”.

Cửa hàng hoa quả sạch vắng khách trực tiếp đến mua hàng.

Trước khi xuất hiện những ca nhiễm Covid–19 trên địa bàn thành phố, cao điểm có ngày quán ăn sáng Cồ Luận, đường Soi Tiền, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai bán hết 400 bát phở, giờ thì doanh số bán hàng đã giảm khoảng 3 lần. Gắng gượng duy trì kinh doanh trong mùa dịch, hàng loạt các cơ sở kinh doanh thực phẩm, quán ăn, nhà hàng ở TP Lào Cai như quán ăn sáng này đã nhanh chóng chuyển đổi từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online, giao thực phẩm, hàng hóa đến từng khách hàng. Anh Cồ Luận, chủ quán phở Cồ Luận chia sẻ: “Trước đây, quán chủ yếu phục vụ khách tại chỗ, nhưng giờ đây chuyển hẳn qua bán online, cùng với đó phải bỏ kinh phí để mua thêm những đồ dùng đi kèm để ship hàng cho khách. Quán cố gắng duy trì kinh doanh để tạo việc làm cho người lao động”.

Nhân viên check lại đơn hàng trước khi chuyển cho khách.

Phần lớn các hộ kinh doanh tại TP Lào Cai đều cho rằng, từ khi thành phố thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, chỉ cho những cửa hàng thiết yếu mở cửa, dù lượng khách và doanh thu có giảm nhưng số lượng đơn hàng hoặc mua hàng qua điện thoại, trang thương mại điện tử tăng nhanh gấp nhiều lần so với ngày thường. Đông đảo người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm qua ứng dụng trực tuyến và một số trang thương mại điện tử. Có cung ắt có cầu, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi phương thức kinh doanh trước đây sang dịch vụ ship hàng, nhận chuyển các dịch vụ thiết yếu tới khách hàng. “Giờ tôi thường ship đồ ăn, đồ uống, rau củ quả… mỗi ngày từ 20 đến 30 chuyến”, anh Lê Văn Duy, Công ty taxi tải Bình An, TP Lào Cai cho biết.

Shipper nhận hàng tại một quán bán đồ ăn sáng để đem giao cho khách.

Bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà và bán tại cửa hàng cho khách mang về không phải là hình thức kinh doanh mới nhưng lại đang là “phao cứu sinh” mùa dịch với rất nhiều hộ kinh doanh hiện nay. Theo chủ các trang bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… người tiêu dùng có xu hướng mua online nhiều hơn so với trước do muốn tránh tới nơi đông người, các đơn hàng online vì thế cũng tăng mạnh hơn. Không chỉ các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe mùa dịch như khẩu trang, nước rửa tay và các sản phẩm khử trùng… mà các sản phẩm thiết yếu hằng ngày như nông sản, thực phẩm, rau, thịt, cá… cũng đồng loạt được giao bán trên mạng. Chị Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc HTX rau quả Thắng Lợi, thị xã Sa Pa cho biết: “HTX đang có cà chua, nấm hương, dâu tây bán trên mạng, đăng trên trang cá nhân hoặc cộng tác viên bán hàng. Đây thực sự là xu hướng bán hàng tốt, giúp HTX trụ được trong mùa Covid-19 này”.

Dịch Covid-19 đang đẩy mua sắm online, sàn thương mại điện tử đi nhanh hơn. Người tiêu dùng thành thị tìm kiếm các lựa chọn mua sắm thuận tiện và an toàn cho nhu cầu gia đình hằng ngày là tất yếu. Chính vì thế, theo khuyến nghị từ ngành Công thương Lào Cai, các nhà kinh doanh trên sàn thương mại điện tử muốn nắm bắt được cơ hội này, duy trì sự tăng trưởng thì cần phải cung cấp những dịch vụ đáng tin cậy. Các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh online cũng cần điều chỉnh hàng hóa phù hợp với nhu cầu của người mua hàng trong thời dịch; quan tâm đầu tư vào biện pháp an toàn vệ sinh, dịch tễ tạo sự an tâm cho khách mua hàng. Ngay cả nhân viên kho vận, giao hàng cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong tình hình hiện nay, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được xem là an toàn hơn cả.

Bài, ảnh: Thanh Sơn – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết