Triển vọng cho cây dược liệu ở vùng cao Si Ma Cai

15:24 04-07-2022 | :920

Laocaitv.vn - Với mục tiêu phát triển cây dược liệu thành cây trồng mũi nhọn nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, huyện Si Ma Cai đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia mở rộng diện tích cây trồng này. Sự hưởng ứng của người dân, cùng với những định hướng đúng đắn, tương lai cho vùng dược liệu Si Ma Cai ngày càng rộng mở.

Nương trồng cát cánh của gia đình chị Thào Thị Lý ở thôn Lử Thẩn, xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai đang vào vụ rộ hoa. Năm đầu tiên chuyển từ trồng ngô sang trồng dược liệu, chị Lý nhận thấy cát cánh cũng là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, lại được cán bộ hướng dẫn về kỹ thuật nên hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao hơn ngô. Chị Thào Thị Lý cho biết: "Gia đình tôi trồng cây dược liệu được cán bộ đến tận nơi hướng dẫn. Trước gia đình trồng ngô không hiệu quả, chuyển sang trồng cát canh sẽ có thu nhập cao hơn". 

Nhiều hộ dân xã Lùng Thẩn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dược liệu.

Có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao, Lùng Thẩn thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu. Năm 2022, nông dân xã Lùng Thẩn trồng 16,5 ha cây cát cánh, trong đó, nhiều hộ dân đã từng tham gia trồng dược liệu như đương quy, tam thất những năm trước, nên phần nào đã có kiến thức và kinh nghiệm canh tác. Những nương trồng dược liệu đều được đánh luống, phủ nilon cẩn thận.

Ông Sùng A Chùa, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết: "Mới đầu Nhân dân cũng hơi bỡ ngỡ, gặp một chút khó khăn, nhưng cũng đã chủ động để chuyển đổi. Dân cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật, họ làm đúng theo kỹ thuật mà phòng nông nghiệp và trung tâm hướng dẫn".

Người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng dược liệu theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.

Không chỉ tại Lùng Thẩn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai cũng mạnh dạn chuyển đổi đất ngô, lúa nương kém hiệu quả sang trồng các loại dược liệu như gừng, đương quy, cát cánh… Từ đầu năm đến nay, Si Ma Cai đã trồng 38 ha dược liệu các loại. Đáng chú ý là hầu hết diện tích trồng đều có liên kết với doanh nghiệp.

Ông Lý Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết thêm: "Huyện sẽ tập trung vào các cây có thế mạnh, thực hiện theo chuỗi liên kết gắn với chế biến để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chúng tôi kêu gọi sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, đảm bảo đầu ra cho Nhân dân; đồng thời cũng sẽ quan tâm xây dựng các cơ sở chế biến liên quan đến cây dược liệu".

Xác định dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực, thế mạnh để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 10 của tỉnh, huyện Si Ma Cai tiếp tục có chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu; thu hút các doanh nghiệp, HTX và người dân tham gia sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn an toàn; đồng thời, lồng ghép nguồn vốn đầu tư trong đào tạo, tập huấn cho người dân về sản xuất, thu hái, bảo quản và chế biến dược liệu an toàn.

 Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết