Trồng gừng xuất khẩu - Hướng phát triển bền vững cho người dân Nậm Chày

08:51 27-04-2020 | :4862

Laocaitv.vn - Củ gừng có vị cay thường được sử dụng làm gia vị trong bữa ăn hằng ngày của các gia đình. Gừng cũng được sử dụng làm một vị thuốc quan trọng trong đông y. Gừng giờ đây còn mang lại vị "ngọt ngào", giúp nhiều hộ gia đình ở xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn phát triển kinh tế để giảm nghèo.

Năm 2019, gia đình ông Đặng Phúc Quý ở thôn Hỏm Dưới, xã Nậm Chày đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng gừng xuất khẩu, theo mô hình liên kết với Công ty TNHH MTV Hòa Hưng của Bắc Ninh thông qua Hợp tác xã Nậm Chày. Dù chưa thông thạo về mặt kỹ thuật và một phần bị ảnh hưởng bởi thiên tai, song theo ông Quý, năng suất gừng gia đình thu được vẫn đạt khá, giá trị kinh tế cũng cao hơn nhiều so với trồng lúa trước đây.

Mô hình liên kết trồng gừng xuất khẩu đang giúp nhiều hộ gia đình ở xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn phát triển kinh tế để giảm nghèo.

Trước kia, hầu hết các hộ gia đình ở Nậm Chày đều trồng gừng giống địa phương để phục vụ nhu cầu sử dụng hằng ngày, tuy nhiên việc trồng gừng giống lai, theo hướng hàng hóa để xuất khẩu thì yêu cầu khắt khe hơn, phải tuân thủ đúng quy trình từ làm đất, lựa chọn giống đến khâu chăm sóc và thu hoạch. Để giúp người dân nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật và kỹ năng trong sản xuất, xã nậm Chày đã phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện Văn Bàn và đơn vị liên kết tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân tham gia mô hình.

Tuy mới triển khai ở Nậm Chày từ tháng 3/2019 và quy mô còn ở mức thí điểm (24 hộ gia đình tham gia với 15 ha), song qua hiệu quả của vụ sản xuất đầu tiên, cùng với các cam kết chặt chẽ giữa các bên tham gia liên kết trồng gừng xuất khẩu đang giúp người dân Nậm Chày thêm yên tâm triển khai trồng gừng.

Ông Bùi Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Nậm Chày cho biết, Công ty TNHH MTV Hòa Hưng và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nậm Chày đã cam kết bao tiêu sản phẩm với mức giá có lợi cho người dân. Các đơn vị này cũng sẽ cung ứng giống và phân bón trước để người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, người dân phải có trách nhiệm trồng và chăm sóc gừng theo đúng quy trình kỹ thuật của đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai, trong khi điều kiện để phát triển sản xuất lại khó khăn, tổng diện tích ruộng nước của Nậm Chày chỉ có khoảng 150 ha, và cũng chỉ có thể cấy một vụ. Chính bởi vậy, mô hình liên kết trồng gừng xuất khẩu không chỉ nâng cao thu nhập mà quan trọng hơn là giúp bà con biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cấy, đặc biệt là tiếp cận với tư duy về sản xuất hàng hóa theo liên kết thị trường, phát triển kinh tế bền vững.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết