Trồng quýt chín sớm, người dân Mường Khương thu tiền tỷ

14:27 11-09-2019 | :3375

Laocaitv.vn - Phát triển vùng quýt hàng hóa là một thành công lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Mường Khương. Đến nay, toàn huyện đã có gần 500 ha quýt, mang nguồn thu lớn cho bà con nhân dân. Đặc biệt, thời gian gần đây, Mường Khương còn hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc giống quýt chín sớm, nhờ đó, mang lại nguồn lợi giá trị gấp đôi so với chính vụ.

Trồng quýt chín sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Mường Khương.

Trong khi nhiều vườn quýt ở Mường Khương còn đang xanh quả thì 700 gốc quýt của gia đình chị Hoàng Thị Bình ở thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khương đã cho thu hoạch. Giống quýt chín sớm được trồng không chỉ mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng ngô, việc cây quýt cho thu hoạch sớm gần 2 tháng cũng cho giá bán cao hơn nhiều so với chính vụ. Chị Hoàng Thị Bình, thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương chia sẻ: “Gia đình tôi trồng quýt chín sớm với khoảng 700 cây, một năm thu hoạch được gần 2 tấn, so với trồng lúa, ngô thì tốt hơn 2 - 3 lần, tiền bán quýt giúp được nhiều việc cho gia đình, vì thế cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn”.

Hiện, toàn huyện Mường Khương có 488 ha cây quýt, trong đó có 20 ha là giống quýt chín sớm, sản lượng hàng năm đạt hơn 1.000 tấn, đem về cho đồng bào vùng biên giới nơi đây hàng chục tỷ đồng. Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Mường Khương cho biết: “Mặc dù chất lượng còn phụ thuộc nhiều vào giống, tuy nhiên quýt chín sớm này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc rải vụ, với năng suất bình quân đạt 10 - 15 tấn/ha, với 1 ha quýt sẽ cho thu hoạch trung bình từ 100 - 225 triệu. So với các cây trồng truyền thống như ngô, đậu tương thì cho thu nhập gấp 5 - 7 lần”.

Hiện, toàn huyện Mường Khương có gần 500 ha diện tích quýt.

Bên cạnh cây quýt chín sớm, hiện nay huyện Mường Khương cũng đang phát triển thêm cây quýt chín muộn. Việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp cây quýt ra quả và chín sớm hơn đã mang lại hiệu quả cao hơn cho người dân. Cùng với đó, các địa phương trồng quýt cũng đã áp dụng các kĩ thuật canh tác mới theo quy trình VietGap để nâng cao năng suất, giá trị của loại quả đặc sản này. Ông Sền Quang Thảo, Bí thư Đảng ủy xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương cho biết: “Cây quýt trên địa bàn có khoảng 200 ha. Để đảm bảo năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, cán bộ xã và cán bộ khuyến nông đang hướng dẫn bà con canh tác theo VietGap, trồng hoa quả sạch, để giữ vững thương hiệu quýt. Nhờ vậy rất nhiều tỉnh đã đặt mua, bà con tiêu thụ rất thuận lợi”.

Hiện nay, cây quýt đã được trồng thành vùng hàng hóa tại nhiều xã của Mường Khương. Việc rải vụ kết hợp với áp dụng khoa học kĩ thuật vào canh tác góp phần nâng cao sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy chính quyền địa phương và sự năng động của bà con nhân dân đã mở ra thêm hướng thoát nghèo, làm giàu cho đồng bào các dân tộc vùng cao.

Thu Hường – Đình Hiếu


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết