Từ thiếu đói sang đảm bảo an ninh lương thực

16:46 14-09-2023 | :321

Laocaitv.vn - “Phải cố gắng làm thế nào cho đồng bào no cơm, ấm áo hơn nữa. Muốn vậy thì phải tăng gia sản xuất… Muốn đủ lương thực thì phải ra sức trồng lúa và ngô khoai… Cán bộ phải hướng dẫn đồng bào, đặc biệt đồng bào rẻo cao định canh, bảo vệ rừng, dùng phân bón, làm ruộng bậc thang, cải tiến kỹ thuật cày, cấy”. Đã 65 năm trôi qua, nhưng lời căn dặn của Bác dành cho đồng bào Lào Cai vẫn còn nguyên giá trị. Khắc ghi lời dạy của Người, trong lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh luôn dành sự quan tâm chăm lo cho sản xuất, tăng gia, đảm bảo an ninh lương thực, để đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn no ấm.

Ông Sần Cháng chia sẻ về thời gian bắt đầu làm ruộng bậc thang ở Tả Van Giáy.

Ngoài 80 tuổi, ông Sần Cháng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin và Thể thao, khi ấy là Bí thư Chi đoàn xã Tả Van nhớ như in ngày 16/11/1963, Sa Pa vinh dự đón Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách nông nghiệp của Đảng được Bác Hồ cử lên thăm. Đại tướng đã tới thăm đồng bào xã Lao Chải đang hăng hái làm ruộng bậc thang để định canh, định cư lâu dài theo lời huấn thị của Hồ Chủ tịch khi Người lên thăm Lào Cai. Ông Sần Cháng, thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Điều kiện đất dốc như thế thì không còn cách nào khác là phải làm ruộng bậc thang. Lúc bấy giờ, thanh niên ở Tả Van chúng tôi luôn đi đầu. Cùng với hợp tác xã chỗ nào còn có đất thì đều khai ruộng cả".

Do đặc thù địa lý cũng như văn hóa trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng cao, canh tác ruộng bậc thang vẫn được duy trì. Hình thức canh tác này không chỉ mang lại ấm no cho đồng bào, mà còn tạo nên giá trị mới cho du lịch nông nghiệp tỉnh phát triển. Anh Hạng A Dạng, thôn Tả Van Mông, xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết: "Làm ruộng bậc thang tốt hơn nhiều. Năm ngoái được 40 - 50 bao, chắc năm nay được 60 - 70 bao. Bà con toàn làm ruộng bậc thang hết rồi, nếu không có ruộng bậc thang thì người dân chả có gì làm".

Tả Van Giáy ngày nay với sắc vàng phủ khắp thôn.

Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều bởi rủi ro từ thiên tai, vượt lên khó khăn này, nhiều giống cây lương thực chất lượng cao được sản xuất trên quy mô lớn. Bộ giống lúa, ngô chất lượng cao được bình tuyển là cơ sở để nông dân khắp các địa phương trong tỉnh đón những mùa vàng bội thu. Ví như khi cấy giống lúa đặc sản Séng Cù hai vụ, nông dân có thu nhập lên đến cả trăm triệu đồng. Ông Bùi Văn Khôi, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lào Cai cho biết: "Chúng tôi kết hợp với Viện Nông nghiệp miền núi phía Bắc phục tráng, làm hoàn chỉnh giống lúa Séng Cù. Kết hợp với bà con để đưa ra quy trình trồng, tiết kiệm được công chăm sóc. Theo dõi sát sao dịch bệnh thì bà con có thể hoàn toàn tiết kiệm được chi phí trong sản xuất".

Làm theo lời Bác, Nhân dân các dân tộc Lào Cai ra sức thi đua khai hoang mở rộng diện tích, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa giống mới vào canh tác. Thời điểm tái lập tỉnh năm 1991, bình quân lương thực đầu người của Lào Cai chỉ đạt 230 kg, tổng sản lượng mới đạt khoảng 120.000 tấn. Nhưng đến nay, tổng sản lượng đã đạt 338.000 tấn, sản xuất lương thực của tỉnh không chỉ tăng mạnh về lượng và còn nâng cao về giá trị. 

Với dân số gần 800.000 người, Lào Cai cần trên 300.000 tấn lương thực mỗi năm. Mục tiêu này đã vượt xa mong đợi. Vì thế, việc nâng cao chất lượng sẽ được ưu tiên, để vẫn là cây lúa, cây ngô, nhưng nông dân có thể làm giàu bền vững.

Ngọc Hà - Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết