Laocaitv.vn - Cách trung tâm xã Dương Quỳ - huyện Văn Bàn hơn 9 km, bản Tùn Trên là nơi sinh sống của 57 hộ gia đình, 100% bà con là người dân tộc Dao. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là nỗ lực vượt khó của từng hộ dân, cuộc sống mới no ấm, sung túc của đồng bào Dao nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Vượt qua con đường gập ghềnh, chông chênh, đoạn thì lởm chởm đá hộc, đoạn thì lầy lội, trơn trượt khi vừa qua cơn mưa rào đầu hạ, bản Tùn Trên hiện ra trước mắt chúng tôi là một khung cảnh hoàn toàn thơ mộng, yên bình. Những triền đồi thoai thoải, cây cối tốt tươi, khí hậu mát mẻ... Khác với đồng bào các dân tộc khác, đồng bào Dao ở bản Tùn Trên sống tập trung tại một khu vực có địa hình khá đẹp, đất đai bằng phẳng và nguồn nước cũng rất thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi của bà con. Người Dao ở Tùn Trên từ lâu vốn được biết đến là những người cần cù, chăm chỉ và tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng rất cao. Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều hộ người Dao ở Tùn Trên chỉ thực sự đổi thay khi họ nhận được sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện trong phát triển kinh tế. Câu chuyện bắt đầu từ Dự án nuôi ngựa hàng hóa do Hội Nông dân đứng ra hỗ trợ và triển khai tại Tùn Trên vào năm 2015.
Năm 2015, khi có dự án từ Hội Nông dân tỉnh triển khai về xã Dương Quỳ, gia đình anh Triệu Vạn Khuân – thôn Tùn Trên được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với số tiền 30 triệu đồng. Kết hợp với nguồn vốn của gia đình, anh mua 3 con ngưạ sinh sản, sau hơn 3 năm nuôi, đàn ngựa đã sinh sản, cuối năm 2018 vừa qua, anh Khuân bán được 65 triệu đồng ngựa giống. Trả xong vốn vay, gia đình anh Triệu Vạn Khuân hiện vẫn còn 3 con ngựa và 5 con trâu sinh sản. Hầu hết các con vật này đều được nuôi hữu cơ bằng cỏ tự nhiên nên gần như gia đình không phải đầu tư chi phí, chỉ trừ công chăn thả. Đây được xem là nguồn thu bền vững giúp gia đình anh Khuân không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá của bản Tùn Trên. Anh Triệu Vạn Khuân cho biết: “Tôi thấy nuôi ngựa có thu nhập tốt hơn, những năm tới gia đình sẽ mở rộng quy mô đàn ngựa để phát triển kinh tế của gia đình hơn nữa”.
Từ phát triển chăn nuôi ngựa đã giúp gia đình anh Triệu Vạn Ngân có thu nhập đáng kể. (Ảnh: Phương Liên)
Cùng mô hình chăn nuôi, nhưng quy mô chăn thả của gia đình anh Triệu Vạn Ngân, bản Tùn Trên còn lớn hơn và bài bản hơn. Từ 2 con ngựa ban đầu tự mua về nuôi, sau khi có dự án hỗ trợ vốn vay ưu đãi, anh Ngân mua thêm 3 con. Đến nay, tổng đàn ngựa của gia đình đã có tới 12 con, trâu 6 con, và 10 con dê. Bên bạnh đó, gia đình cũng duy trì diện tích trồng thảo quả. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh Ngân cũng tiết kiệm được khoản tiền gần 100 triệu đồng từ chăn nuôi và bán thảo quả. Anh Triệu Vạn Ngân phấn khởi chia sẻ: “Mỗi con ngựa gia đình bán được từ 8 – 15 triệu đồng tùy to, nhỏ. Nuôi ngựa chỉ cần thời gian đi chăn thả, nên dự tính gia đình sẽ mở rộng thêm đàn ngựa”.
Để nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân trong xã, từ nguồn Quỹ phát phát triển do Hội Nông dân tỉnh đầu tư, Hội Nông dân xã Dương Quỳ đã triển khai thành công mô hình nuôi ngựa trong hơn 3 năm qua. Với nguồn vốn giai đoạn đầu là 300 triệu đồng, 10 hộ tham gia, sau khi dự án kết thúc giai đoạn 1, tất cả các hộ vay vốn đã hoàn gốc. Nhận thấy hiệu quả, quỹ tiếp tục tái đầu tư với nguồn vốn ưu đãi 800 triệu đồng; giai đoạn 2 mở rộng thêm, tạo điều kiện cho trên 20 hộ ở Tùn Trên tham gia. Hiện tại, bà con đã hoàn vốn cả 2 giai đoạn và toàn thôn đang duy trì tổng đàn ngựa lên đến 120 con. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ chăn nuôi. Thành công của dự án này tạo động lực để Hội Nông dân xã Dương Quỳ tiếp tục đăng ký dự án nuôi cá thương phẩm tại một số thôn khác. Ông Hoàng Văn Minh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Dương Quỳ cho biết: “Nuôi ngựa là dự án thành công nhất trong các dự án phát triển kinh tế được triển khai tại xã. Thời gian tới, sau khi có công văn để đăng kí các dự án giảm nghèo cũng như tăng thu nhập cho bà con thì Hội nông dân xã sẽ đề xuất dự án nuôi cá thương phẩm để tạo thu nhập cho bà con, cũng như tạo nguồn thương phẩm trực tiếp trên địa bàn”.
Bản Tùn Trên có 57 hộ gia đình, trong đó, trên 30 hộ đang duy trì hiệu quả mô hình nuôi ngựa. Bên cạnh đó, các hộ khác cũng phát triển đàn dê, trâu và lợn đen bản địa. Duy trì diện tích rừng, nhiều hộ gia đình ở Tùn Trên cũng mở rộng canh tác nông nghiệp, trồng thảo quả để tạo nguồn thu ổn định và đảm bảo lương thực tại chỗ. Hiện tại bản Tùn Trên chỉ còn 9 hộ nghèo, số hộ khá giàu chiếm phần lớn.
Dự án nuôi ngựa hàng hóa góp phần thay đổi cuộc sống của người dân Tùn Trên. (Ảnh: Phương Liên)
Những đổi thay trong đời sống của người Dao ở Tùn Trên là minh chứng cho tinh thần vượt khó, sự nỗ lực vươn lên của bà con cũng như sự quan tâm, tạo nguồn lực hỗ trợ kịp thời và hiệu quả để bà con có thêm động lực, niềm tin vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên chính đồng đất quê hương.
Phương Liên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết