Laocaitv.vn - Từ đầu tháng 2/2021, lực lượng Công an thị xã Sa Pa đã tích cực đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con không trồng cây thuốc phiện. Qua các buổi tuyên truyền, nhiều hộ dân đã tự giác phá bỏ cây thuốc phiện trồng trên nương, đồi của gia đình.
Từ đầu tháng 2/2021, tại xã Sa Pả, lực lượng Công an phường đã tiếp nhận hơn 1.800 cây thuốc phiện từ 6 hộ gia đình tự giác phá bỏ và giao nộp.
Thiếu tá Nguyễn Thành Tâm, Trưởng Công an phường Sa Pả, thị xã Sa Pa cho biết: "Do kinh tế khó khăn nhiều người dân vẫn còn tư tưởng trồng cây thuốc phiện xen trong nương rẫy để bán cho khách du lịch ngâm rượu. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến người dân tác hại của loại cây này và hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế một cách lành mạnh hơn".
Cán bộ Công an vận động người dân tự giác nhổ bỏ cây thuốc phiện.
Chị Châu Thị Trà là một trong những người tự giác phá bỏ cây thuốc phiện tại tổ 2, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa cho biết, khi đi chợ thấy có người bán hạt giống cây thuốc phiện nên đã mua về trồng. Sau đó, được cán bộ Công an giải thích chị đã biết làm như vậy là vi phạm pháp luật và hứa sẽ không trồng loại cây này nữa; đồng thời sẽ khuyên mọi người trong thôn xóm không trồng loại cây này.
Mới đây, Công an phường Phan Si Păng cũng đã phát hiện một hộ dân trên địa bàn phường trồng 413 cây thuốc phiện. Lực lượng chức năng đã tiến hành tuyên truyền, nhổ bỏ toàn bộ cây thuốc phiện trong vườn và đưa về trụ sở Công an phường để xử lý theo quy định.
Một số người dân đã ý thức được hành vi trồng cây thuốc phiện là vi phạm pháp luật nên đã tự giác nhổ bỏ.
Việc trồng cây thuốc phiện trái phép sử dụng vào bất cứ mục đích nào, biện hộ với bất kỳ lý do nào đều bị pháp luật ngăn cấm. Pháp luật cũng đã quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự đối với việc trồng cây này với số lượng lớn, kinh doanh, chiết xuất chất gây nghiện…
Những trường hợp chưa bị xử phạt hành chính và số lượng trồng chưa đến 500 cây sẽ bị phạt hành chính. Nếu lần sau còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.
Còn đối với trường hợp nào mà đã bị xử phạt hành chính, hoặc đã được giáo dục nhưng vẫn còn vi phạm thì dù dưới 500 cây cũng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Mức phạt đối với trường hợp vi phạm là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt cao nhất của tội danh này có thể lên đến 7 năm tù nếu số lượng từ 3000 cây trở lên.
Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Với số lượng 3.000 cây trở lên; c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
4. Người nào phạm tội thuộc khoản 1 Điều này, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
Tin, ảnh: Quỳnh Trang – Lê Nam
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết