Laocaitv.vn - Với mức tăng kỷ lục trong giai đoạn 2014-2016, nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng hơn 25% kể từ năm 1900 đến nay. Nghiên cứu này do Đại học Arizona của Mỹ tiến hành và công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Ảnh minh họa: friendsoftheearth.uk
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích 15 bộ dữ liệu khác nhau, bao gồm theo dõi nhiệt độ trung bình bề mặt toàn cầu từ năm 1850-2016, nhiệt độ đại dương từ năm 1955-2016, ghi chép về mực nước biển từ năm 1948-2016 và tài liệu về chu kỳ hiện tượng El Niño...
Họ đã phát hiện ra nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất đã tăng khoảng 0,9 độ C từ năm 1900-2013. Khi phân tích những số liệu ghi chép về nhiệt độ toàn cầu, các nhà khoa học phát hiện thêm rằng đến cuối năm 2016, nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng thêm 0,24 độ C. Đây là mức tăng chưa từng thấy trong thế kỷ 20 và 21.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu Jianjun Yin thuộc Đại học Arizona, kết quả phân tích cho thấy nguyên nhân cơ bản của hiện tượng nhiệt độ toàn cầu liên tiếp bị phá kỷ lục là do tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà nghiên cứu cũng dự báo tần suất hiện tượng nhiệt độ toàn cầu tăng 0,24 độ C xuất hiện trong thế kỷ 21 này tùy thuộc vào lượng khí nhà kính phát ra môi trường từ nay đến năm 2100.
Có 2 trường hợp, nếu phát thải khí nhà kính đạt đỉnh vào năm 2020 và giảm sau đó, hiện tượng nhiệt độ toàn cầu tăng ít nhất 0,24 độ C có thể không xảy ra hoặc xuất hiện từ 1 đến 2 lần trong thế kỷ 21 này. Trong trường hợp ngược lại, nếu lượng khí nhà kính phát thải tăng trong cả thế kỷ 21 này, hiện tượng nhiệt độ tăng kỷ lục như trên có thể xuất hiện từ 3 đến 9 lần trong giai đoạn từ nay đến năm 2100. Theo Giáo sư Jianjun Yin, nếu có thể giảm phát thải khí nhà kính, con người có thể giảm được số lần xuất hiện các hiện tượng phá kỷ lục về nhiệt độ trong thế kỷ 21 và cũng có thể giảm thiểu được rủi ro./.
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết