Mở mặt trận mới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Tổng thống Trump nhằm mục đích gì?

14:57 27-06-2018 | :544

Laocaitv.vn - Vòng hai cuộc tấn công thương mại của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Trung Quốc dự kiến sẽ bùng nổ vào cuối tuần này với một mục tiêu mới.

 
Tổng thống Trump đang muốn nhắm vào kế hoạch "Made in China 2025" của Trung Quốc nhằm cạnh tranh ngôi
cường quốc công nghệ lớn nhất thế giới của Mỹ. Ảnh: The Vox
 
Cuối tuần này, chính quyền Tổng thống Trump dự kiến sẽ công bố chi tiết kế hoạch hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp Mỹ và ngăn chặn doanh nghiệp Mỹ bán một số sản phẩm công nghệ cao cho Trung Quốc.
 
Mục đích của bước đi này là hạn chế mạnh mẽ sự tiếp cận của Trung Quốc với nền công nghệ cao của Mỹ, ngăn cản tham vọng của Bắc Kinh trở thành trung tâm công nghệ lớn nhất thế giới, thay thế vị trí độc tôn của Mỹ lâu nay.
 
Cuộc chiến nhiều mặt trận với Trung Quốc
 
Các nhà phân tích cho rằng, các chính sách mới sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và có thể kích động một cuộc trả đũa mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Nhất là khi kế hoạch nói trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hôm 15/6 rằng ông sẽ đánh thuế lên 50 tỉ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và lên tới 400 tỉ USD nữa nếu Bắc Kinh trả đũa.
 
Giống như công cụ thuế quan, động thái mới của Tổng thống Trump sẽ là một đòn giáng với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng mục tiêu của nó thì khác. Chính sách mới không khiến cho Trung Quốc khó bán hàng hoá tới Mỹ hay khó cạnh tranh với các nhà sản xuất nội địa. Thay vào đó, nó tấn công vào chiến lược của Trung Quốc nhằm phát triển nền kinh tế dựa trên công nghệ cao trong tương lai.
 
Hiện tại, khi căng thẳng đang dâng cao, “đây là cách để truyền thông với Bắc Kinh rằng, Mỹ có nhiều công cụ và sẵn sàng cân nhắc sử dụng tất cả”, ông Todd Tucker, học giả thương mại tại Viện Roosevelt, Mỹ nhận xét.
 
 
Sau đòn thuế quan, Mỹ đang tính tới công cụ hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghệ cao.
 
Chỉ trong một ngày sau, Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả đòn thuế này bằng các công cụ thuế với “sức mạnh tương tự”, gây ảnh hưởng tới nông dân và công nhân các ngành công nghiệp Mỹ ở vùng Trung Tây, gồm những bang có đa số dân theo phe Cộng hoà từng bỏ phiếu cho ông Trump. Đáp lại, ngày 18/6, Tổng thống Mỹ đe doạ áp thuế lên tới 400 tỉ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
Những lời tuyên chiến qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc trong giai đoạn đầu có thể khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại, khi hai bên tấn công nền kinh tế của nhau bằng các đòn thuế mở rộng. Và những hạn chế được cho là đầy "gây hấn", đang được lên kế hoạch của Nhà Trắng nhằm vào đầu tư và xuất khẩu của Trung Quốc, lại tiếp tục mở ra một mặt trận mới trong cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung.
 
Nỗ lực cản trở tham vọng cường quốc công nghệ của Trung Quốc
 
Động thái mới cho thấy rõ, chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc sở hữu những sản phẩm và công nghệ mà Bắc Kinh cần cho chương trình “Made in China 2025”, một trong những sáng kiến lớn nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm đưa quốc gia này trở thành một cường quốc sản xuất các sản phẩm công nghệ tiên tiến của thế giới. Họ thực hiện sáng kiến này chủ yếu bằng cách đầu tư và trợ cấp mạnh mẽ cho sản xuất các hàng hoá công nghệ cao như robot, ô tô tiết kiệm nhiên liệu.
 
 
Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển robot. Trong ảnh, một robot công nghiệp tại Triển lãm công nghiệp quốc tế ở Thượng Hải. Ảnh: Getty Images
 
Kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump nhằm kiềm chế tham vọng nói trên của Trung Quốc dựa trên việc ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận công nghệ then chốt của Mỹ.
 
Hiện tại, có một số cản trở khi các nước muốn đầu tư vào doanh nghiệp Mỹ. Uỷ ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ, thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ đánh giá các khoản đầu tư từ nước ngoài để đảm bảo không gây đặt ra mối đe doạ an ninh quốc gia nào tới Mỹ, chẳng hạn như đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ sống còn với năng lực quân sự Mỹ.
 
Chuyên gia Tucker cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách “mở rộng khái niệm an ninh quốc gia sang bao gồm cả an ninh kinh tế quốc gia”. Theo đó, Mỹ sẽ thiết lập cơ chế giám sát không chỉ kiểm soát những công nghệ an toàn với Mỹ để duy trì lợi thế quân sự, mà còn đảm bảo Mỹ duy trì cả lợi thế kinh tế trước các đối thủ.
 
Theo tờ The Wall Street Journal, Bộ Tài chính Mỹ đang xem xét các quy định ngằm ngăn chặn các công ty mà Trung Quốc đang sở hữu ít nhất 25 phần trăm vốn, được phép đầu tư vào các công ty Mỹ trong lĩnh vực “công nghệ công nghiệp quan trọng”.
 
Chính sách này nhằm gây khó khăn cho Trung Quốc khi muốn sở hữu các công nghệ phần cứng và phần mềm quan trọng cho sản xuất những sản phẩm như robot, thiết bị hàng không, vũ trụ, xe hơi nhiên liệu sạch hay thiết bị y tế.
 
Nhà Trắng cũng sẵn sàng đưa ra quy định hạn chế năng lực của các doanh nghiệp Mỹ cho trong xuất khẩu hàng hoá công nghệ cao tới Trung Quốc với cùng lý do: đảm bảo Trung Quốc không thể cạnh tranh với Mỹ.
 

"Có hàng ngàn tỉ USD đang tìm kiếm vương miện công nghệ của chúng tôi. Cần phải có phòng vệ trước điều đó”, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phát biểu tuần trước.

Tập đoàn Midea của Trung Quốc gần đây đã mua được Kuka AG, một nhà cung cấp robot công nghiệp, có trung tâm nghiên cứu và phát triển đặt tại Austin, bang Texas, Mỹ. Ảnh: Kuka Industries

Trung Quốc sẽ phản công ra sao
 
Cuộc tấn công mới nhất nếu được tung ra chắc chắn sẽ có ngay lời đáp. Gần đây, Bắc Kinh đã phát đi những tín hiệu ngày càng "mất kiên nhẫn" khi Tổng thống Trump hết lần này đến lần khác đe doạ gây thiệt hại kinh tế Trung Quốc bằng các đòn thuế nhập khẩu và rào cản đầu tư.
 
“Ở phương Tây, các bạn có câu rằng, nếu ai đó đánh các bạn vào má trái, thì bạn chìa má phải cho họ đánh. Còn trong văn hoá chúng tôi, chúng tôi sẽ đấm lại”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước các CEO Mỹ và châu Âu hôm 21/6.
 
Trung Quốc có nhiều cách để trả đũa Mỹ. Họ có thể chọn đánh vào chuỗi cung cấp của các công ty Mỹ đóng tại Trung Quốc; rút lại các đơn hàng mua những sản phẩm quan trọng của Mỹ như máy bay Boeing; hoặc gây khó dễ cho các công ty Mỹ xin cấp giấy phép kinh doanh để hoạt động tại Trung Quốc.
 
Nhưng ngay cả khi không tín đến đòn trả đũa của Trung Quốc, động thái của chính quyền Trump về hạn chế đầu tư và xuất khẩu cũng khiến doanh nghiệp Mỹ phải trả giá. Các nhà xuất khẩu hàng hoá công nghệ như microchip sẽ mất khách hàng; các công ty công nghệ Mỹ sẽ chứng kiến danh sách nhà đầu tư tiềm năng vào doanh nghiệp của họ bị thu hẹp lại.
 
Viễn cảnh đó đã khiến các thị trường hoảng sợ trong ngày giao dịch 26/6, khi các nhà đầu tư lo sợ động thái chống Trung Quốc có thể gây thiệt hại nặng nề tới kinh tế Mỹ.

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết