Mỹ nghĩ gì khi không thúc ép Triều Tiên phi hạt nhân hóa?

15:58 26-06-2018 | :563

Laocaitv.vn - Mỹ sẽ không có lộ trình đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên dù trước đó có thông tin rằng Washington sẽ sớm công bố lộ trình kèm “yêu cầu cụ thể”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông sẽ không đặt ra bất cứ thời gian biểu nào cho đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tuyên bố này trái ngược với thông tin do một quan chức quốc phòng cấp cao trước đó nói rằng Washington sẽ sớm đưa ra một lộ trình đàm phán với Triều Tiên đi kèm với những “yêu cầu cụ thể”.

Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Nam Carolina ngày 25/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Họ đã dỡ những biểu ngữ chống Mỹ trên khắp Triều Tiên xuống”. (Ảnh: Getty Images)

Phi hạt nhân hóa Triều Tiên trước khi ông Trump hết nhiệm kỳ?

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền qua điện thoại với CNN để đánh dấu 2 tháng nhậm chức, Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông muốn tiếp tục thấy những tiến bộ hướng tới việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, một lời hứa mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đưa ra trong cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore ngày 12/6 vừa qua.

Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, nhân vật “mũi nhọn” của ông Trump trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên, lại từ chối đưa ra một thời hạn chót mà Bình Nhưỡng phải có những bước tiến thực chất hướng tới mục tiêu này.

“Tôi sẽ không đặt một lộ trình nào, dù đó là 2 tháng hay 6 tháng thì chúng tôi cũng cam kết sớm hướng tới thời điểm chúng ta có thể đạt được những gì mà cả 2 nhà lãnh đạo đã đề ra” – ông Pompeo cho biết.

Mặc dù vậy, ông Pompeo khẳng định chính quyền của Tổng thống Trump sẽ thường xuyên đánh giá độ nghiêm túc của Triều Tiên đối với việc ngừng chương trình hạt nhân song song với những động thái của Washington hướng tới việc bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.

Trước đó, ông Pompeo từng bày tỏ mong muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên trước khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump kết thúc năm 2020.

Dừng vô thời hạn “trò chơi chiến tranh”?

Đề cập quyết định của Tổng thống Donald Trump ngừng các cuộc tập trận của Mỹ ở khu vực này, ông Pompeo giải thích rõ rằng điều đó chỉ xảy ra chừng nào Triều Tiên còn có thiện chí đàm phán và tiến trình này đạt được những kết quả thực chất.

“Nếu chúng ta không thể làm được điều đó, nếu thực tế không có khả năng đạt được kết quả mà 2 nhà lãnh đạo mong muốn thì chúng tôi sẽ đánh giá lại”.

Ông Pompeo được cho là đang thu xếp một cuộc gặp sớm nhất có thể với người đồng cấp Triều Tiên để bắt đầu thảo luận về các bước tiếp theo. Tuần trước, ông đã bày tỏ mong muốn sớm thăm Triều Tiên trước khi “để quá lâu” sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy nhiên, đến nay Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa có thông báo nào về chuyến thăm này.

Về phía Bộ Quốc phòng Mỹ, cuối tuần qua, Lầu Năm Góc thông báo chính thức ngừng các cuộc tập trận lớn với Hàn Quốc song nhấn mạnh rằng “sẽ có thêm các quyết định về vấn đề này, phụ thuộc vào việc Triều Tiên có tiếp tục đàm phán một cách xây dựng hay không”.

“Yêu cầu cụ thể” từ Lầu Năm Góc?

Việc Ngoại trưởng Mỹ không áp đặt lộ trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên trái ngược với thông tin mà một quan chức quốc phòng cấp cao cung cấp cho báo giới trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng James Mattis đến châu Á.

“Tôi nghĩ cách tiếp cận Triều Tiên là phải sớm có một số đánh giá dữ liệu xem liệu họ có thực sự thiện chí hay không” – quan chức này cho biết. “Sẽ có những yêu cầu cụ thể và sẽ có một lộ trình cụ thể khi nào chúng tôi đưa cho phía Triều Tiên ý tưởng của chúng tôi về việc thực thi thỏa thuận của cuộc gặp Thượng đỉnh như thế nào”.

Thế nhưng ngày 25/6, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White dường như muốn rút lại những thông tin đó qua vài dòng tweet của bà.

“Bộ Quốc phòng vẫn cam kết ủng hộ tiến trình ngoại giao đang diễn ra với Triều Tiên mà hiện chưa có lộ trình cụ thể nào” – bà White viết trên Twitter. “Bất cứ tuyên bố nào của nhân sự Bộ Quốc phòng liên quan đến Triều Tiên cũng chỉ muốn nhắc tới khía cạnh quân sự của các cuộc đàm phán”, tức là “việc đình chỉ vô thời hạn các cuộc tập trận lớn hay hỗ trợ hậu cần cho việc chuyển giao hài cốt một cách trang trọng”.

Trong một động thái thiện chí, thực hiện Tuyên bố chung Mỹ -Triều ngày 12/6, Bình Nhưỡng thông báo sẽ sớm hồi hương 200 bộ hài cốt được cho là của binh sỹ Mỹ chết trong chiến tranh liên Triều.

Năm nay, Triều Tiên dường như cũng đã hủy cuộc tuần hành lớn vào Ngày Đấu tranh chống Đế quốc Mỹ 25/6 hàng năm để đánh dấu ngày bùng phát chiến tranh liên Triều. Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Nam Carolina, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Họ đã dỡ những biểu ngữ chống Mỹ trên khắp Triều Tiên xuống”. Tuy nhiên, không có bình luận chính thức nào từ phía Triều Tiên về vấn đề này.

Đặt cược toàn bộ vào thiện chí của Triều Tiên

Chưa đầy 2 tuần sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng nói rằng còn quá sớm để kỳ vọng một lộ trình cụ thể sau 40 năm căng thẳng giữa 2 nước. Nhưng ông Pompeo quả quyết rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un “không hề lập lờ nước đôi” trong các tuyên bố về việc chuẩn bị phi hạt nhân hóa.

“Tôi có thể nói rằng có những sự hiểu biết chung đã được đặt nền móng trước hội nghị Thượng đỉnh và một số được thiết lập khi Tổng thống Mỹ ở Singapore, mà tôi nghĩ là chúng đã được đặt đúng hướng để có thể xây dựng một khuôn khổ cho sự thành công” – ông Pompeo cho biết.

Theo ông, khuôn khổ đó không thể hoàn thiện nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un không nói rõ ý định phi hạt nhân hóa.

Ông cho biết: “Chính tôi đã nghe được điều này khi tôi đến đó với tư cách là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), tôi nghe thấy nó khi tôi đến thăm Bình Nhưỡng với tư cách là Ngoại trưởng và tôi lại nghe thấy nó khi cùng nhóm quan chức 2 nước họp với Tổng thống và nhà lãnh đạo Kim Jong-un”.

Ngoại trưởng Mỹ cũng phác thảo sơ bộ một thỏa thuận mà theo đó, Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh và hỗ trợ kinh tế.

“Luôn có những thách thức và việc phải làm nhưng không có gì có thể xảy ra nếu không có cam kết của 2 nhà lãnh đạo” – ông Pompeo nói. “Và chừng nào cam kết còn đó thì Mỹ sẵn sàng làm chính xác những gì Tổng thống cam kết, đó là tạo một tương lai tươi sáng hơn cho Triều Tiên và cung cấp đảm bảo an ninh cho người dân Triều Tiên”.

Việc không đặt ra lộ trình cụ thể cho đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng được cho là mở đường lui cho chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong trường hợp đối thoại xảy ra bất chắc.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố Triều Tiên “không còn là mối đe dọa hạt nhân nữa” nhưng điều này chỉ khiến dư luận nhớ lại việc cựu Tổng thống George W. Bush tuyên bố “các chiến dịch chiến đấu chính ở Iraq đã chấm dứt” để rồi Washington vẫn phải hỗ trợ an ninh cho Baghdad cho đến ngày nay.

Từ phép thử đó, chính quyền của Tổng thống Trump có lẽ đã tỉnh táo hơn nhiều và không muốn đưa ra một lộ trình cứng nhắc hay thời hạn chót cụ thể cho “sứ mệnh” phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Diệu Hương/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết