Nga cảnh báo hỗn loạn nếu thỏa thuận hạt nhân với Iran bị phá vỡ

16:18 22-01-2018 | :465

Laocaitv.vn - Việc phá vỡ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran, cũng như các thỏa thuận quốc tế khác, sẽ dẫn đến hỗn loạn trong các vấn đề quốc tế.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: THX/ TTXVN
 
Cảnh báo này được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra ngày 21/1 trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ “Thương gia” của Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh việc phá vỡ các thỏa thuận pháp lý đã đạt được sự nhất trí giữa các quốc gia hàng đầu sẽ dẫn tới sự hỗn loạn trong các vấn đề quốc tế. Ông Lavrov nêu rõ điều này sẽ không thể chấp nhận đối với Iran, Syria, Libya, Yemen, cũng như Triều Tiên. Ngoại trưởng Nga cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là “khả năng đạt được thỏa thuận”. 

Ông Lavrov nhắc lại năm 2005, các bên đã đạt được thỏa thuận với Triều Tiên, tuy nhiên, một vài tuần sau, khi tất cả các bên bắt đầu thực hiện thỏa thuận, Mỹ bất ngờ phát hiện một số sai phạm từ lâu liên quan đến một số tài khoản nào đó và phong tỏa tài khoản của Triều Tiên.
  
JCPOA được ký hồi tháng 7/2015 sau nhiều năm quan hệ căng thẳng giữa Iran và phương Tây, theo đó Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục phản đối và muốn thay đổi thỏa thuận này. 

Ngày 12/1, Tổng thống Trump một lần nữa khẳng định phải thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận khác cứng rắn hơn, dù cho biết Mỹ sẽ không áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran trong 120 ngày tới, đồng nghĩa thỏa thuận lịch sử trên vẫn được duy trì ít nhất tại thời điểm này. 
 
Trong thời gian đó, ông Trump muốn Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu soạn thảo thỏa thuận mới mà không cần thương lượng với Tehran để sửa những nội dung mà ông cho là "sai lầm thảm họa" trong thỏa thuận hiện nay.
  
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ sự điều chỉnh nào trong JCPOA và quan điểm này đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các bên tham gia thỏa thuận, ngoại trừ Mỹ.
 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết