5 sự kiện ồn ào nhất của Điện ảnh Việt Nam năm 2017

09:18 15-12-2017 | :708

Laocaitv.vn - Cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, doanh thu cao kỷ lục "Em chưa 18"... là những sự kiện ồn ào nhất của điện ảnh Việt Nam trong năm 2017.

1. Việt Nam cho phép chiếu rạp phim 18+

Từ 1/1/2017, Việt Nam áp dụng Bảng Tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi mới gồm bốn mức: P (phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), C13 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), C16 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16) và C18 (phim cấm phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ tục và tính chất kinh dị có trong tác phẩm điện ảnh.

Bộ phim "50 sắc thái" với những cảnh quay nóng bỏng ra rạp Việt.

Kết quả là trong năm 2017, khán giả Việt liên tiếp được thưởng thức những bộ phim gắn nhãn 18+ là 50 sắc thái, John Wick 2, Logan...

2. Bom tấn Hollywood "Kong: Skull Island" lấy bối cảnh tại Việt Nam

Bom tấn Hollywood "Kong: Skull Island" lấy bối cảnh những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, đoàn thám hiểm bao gồm các ngôi sao hạng A của Hollywood như Samuel L Jackson, John Goodman, Tom Hiddleston và Brie Larson đã đặt chân đến một hòn đảo bí ẩn, nơi sinh sống của Kong.

Phần lớn bối cảnh Kong: Skull Island được quay tại Việt Nam.

Để bộ phim có bối cảnh như thời nguyên thủy, đạo diễn Vogt-Roberts và đoàn làm phim đã quay ở nhiều địa điểm như Hawaii, Australia và Việt Nam trong thời gian khoảng 6 tháng. Chính nhờ sự đầu tư này, "Kong: Skull Island" được đánh giá là vượt trội hơn hẳn những phần phim trước về bối cảnh hoành tráng.

Kong: Skull Island có doanh số lý tưởng.

Đối với đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, bối cảnh được quay ở Việt Nam là nổi bật nhất. "Tôi đã lùng sục khắp thế giới. Tôi đặc biệt không muốn bộ phim trông giống như một Công viên Khủng long... Và sau đó tôi tới Việt Nam, nhìn phong cảnh nơi đây và như trúng 'tiếng sét ái tình'". Chỉ sau 3 tuần công chiếu, “Kong: Skull Island” đạt mức doanh số 534,4 triệu USD từ phòng vé toàn cầu, đây là một mức doanh thu lý tưởng so với những đánh giá ban đầu.

3. "Em chưa 18" đạt doanh thu kỷ lục

Theo nhà phát hành CGV, tính đến hết ngày 28/5, doanh thu phòng vé của "Em chưa 18" đã lên đến 169 tỷ đồng. Như vậy, tác phẩm hài - lãng mạn của đạo diễn Lê Thanh Sơn vượt "Kong: Skull Island" và trở thành phim điện ảnh ăn khách nhất từ trước đến nay tại phòng vé Việt Nam.

Thành công vang dội của "Em chưa 18" khiến nhà sản xuất Charlie Nguyễn lập tức thông báo anh cùng cộng sự dự kiến thực hiện "Em trên 18" trong năm 2018. Đến thời điểm hiện tại, Em chưa 18 trở thành bộ phim ăn khách nhất trong lịch sử phòng vé Việt.

Khó có bộ phim nào xô đổ kỷ lục của "Em chưa 18".

4. Livestream "Cô Ba Sài Gòn" và vấn nạn vi phạm bản quyền tại Việt Nam

Ngày 15/11, đạo diễn - diễn viên Ngô Thanh Vân đã cùng đại diện nhà phát hành là Công ty BHD có mặt tại trụ sở Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tố cáo về vụ việc live stream trái phép bộ phim Cô Ba Sài Gòn khi vừa ra rạp tại tỉnh này. Trên Facebook cá nhân, Ngô Thanh Vân bày tỏ sự thất vọng, chán nản: "Đây có thể là bộ phim cuối cùng tôi sản xuất".

Ngô Thanh Vân và bộ phim tâm huyết "Cô Ba Sài Gòn".

Thủ phạm đã được xác định là một thanh niên sinh năm 1998, sống tại Vũng Tàu. Đây không phải là lần đầu tiên điện ảnh Việt bị vi phạm bản quyền trắng trợn, trước đó nhiều bộ phim khác cũng đã bị quay lén và tung lên mạng như "Tấm Cám-Chuyện chưa kể", "Em chưa 18"... Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên những nhà sản xuất, phát hành phim tỏ ra gay gắt với nạn vi phạm bản quyền.

Ngô Thanh Vân không còn muốn làm phim sau vụ việc livestream "Cô Ba Sài Gòn".

Được biết, bộ luật Hình sự 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, với điều 344 về tội vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản, sẽ góp phần mạnh tay xử lý những kẻ vi phạm bản quyền. 250 triệu đồng là con số tổn thất mà nhà sản xuất phim 'Cô ba Sài Gòn' công bố, tuy nhiên nhiều ý kiến tranh cãi khó có căn cứ để xác định chính xác mức độ thiệt hại này.

5. Lùm xùm cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam

Có thể nói, trong năm 2017, một trong những vụ việc tốn nhiều giấy mực báo chí nhất là cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Dư luận đặt câu hỏi vì sao Ban Chỉ đạo cổ phần hóa lại lựa chọn đối tác chiến lược là Tổng công ty cổ phần Vận tải thủy (VIVASO) - một công ty không am hiểu về nghệ thuật thứ 7, để đặt niềm tin đối tác này sẽ vực dậy ngành điện ảnh nước nhà?

Các nghệ sĩ gạo cội cho rằng cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam thiếu minh bạch.

Khi diễn ra việc cổ phần hóa thì các nghệ sĩ bức xúc cho rằng thiếu minh bạch, đặc biệt là vấn đề xác định giá trị của hãng phim. Tổng công ty cổ phần Vận tài thủy trở thành cổ đông chiến lược, nắm giữ 65% cổ phần với mức giá 34 tỷ đồng. Còn các nghệ sĩ của Hãng thì cho rằng số tiền này quá bèo bọt so với giá trị hãng phim hiện tại, nhất là giá trị thương hiệu lại chỉ được định giá 0 đồng.

Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam.

Ngày 3/10, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra việc cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam./.

Tố Uyên/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết