Bí thư cấp ủy không là người địa phương: Sẽ thực hiện ngay sau Hội nghị T.Ư 7

15:43 10-05-2018 | :1087

Laocaitv.vn - Theo Ban soạn thảo Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ, đến nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ thực hiện dứt điểm chủ trương này trên toàn quốc.

Một trong những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ những năm tới là triển khai nhất quán chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh Chủ tịch UBND. Nội dung này nhận được sự ủng hộ khá cao tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Vậy từ trước đến nay, chúng ta triển khai chủ trương trên như thế nào và đến bao giờ, 100% Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương?

se thuc hien ngay sau hoi nghi trung uong 7 chu truong bi thu cap uy khong la nguoi dia phuong:  hinh 1

Đến nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ thực hiện dứt điểm chủ trương Bí thư cấp ủy không là người địa phương. Ảnh minh họa

Hà Tây (cũ) được chọn thí điểm đầu tiên

Từ khóa IX (2000-2005) đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều kết luận để đẩy mạnh việc thực hiện luân chuyển cán bộ kết hợp với chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo các cấp không là người địa phương.

Cụ thể, tại thời điểm từ năm 2000-2005, Bộ Chính trị đã thực hiện thí điểm chủ trương luân chuyển, bố trí 6 chức danh cán bộ của tỉnh Hà Tây (cũ) không phải là người địa phương gồm: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. Việc luân chuyển đồng thời 6 chức danh cán bộ không phải người địa phương đã tạo ra phong trào, khí thế mới. Đây cũng là cơ sở để địa phương này luân chuyển, thay đổi cán bộ cấp huyện, cấp xã … Việc lựa chọn cán bộ đi luân chuyển được tiến hành chặt chẽ. Đó là những cán bộ có năng lực, triển vọng, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu khó khăn…

Tỉnh Hà Tây lúc đó là địa phương có nhiều lợi thế nhưng kinh tế phát triển chậm, có biểu hiện trì trệ, mất ổn định, nhất là tình hình an ninh, trật tự, tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra ở một số nơi. Hiệu lực của bộ máy chính quyền, vai trò của chi bộ, đảng bộ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số nơi bị vô hiệu hóa, trở thành điểm nóng về an ninh nông thôn. Niềm tin của nhân dân vào các cấp ủy đảng và lãnh đạo tỉnh giảm sút. Sau một thời gian thực hiện việc luân chuyển cùng lúc 6 chức danh tại địa phương này, kết quả là tình hình mất ổn định, trì trệ trong phát triển kinh tế-xã hội của Hà Tây đã được tháo gỡ.

Cán bộ cấp ủy không là người địa phương: Đã thực hiện liên tiếp trong 4 khóa

Cũng kể từ nhiệm kỳ khóa IX đến nay (từ năm 2000), hàng trăm cán bộ đã được luân chuyển về các địa phương, trong đó nhiều người giữ vị trí cao nhất (Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy).

Nhiệm kỳ 2000-2005, Trung ương đã luân chuyển 23 cán bộ, trong đó bố trí 16 trên tổng số 64 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không là người địa phương (chiếm 25%). Sau luân chuyển, 15 cán bộ được bố trí chức vụ cao hơn, trong đó có 5 người được bầu vào Bộ Chính trị.

Nhiệm kỳ 2005-2010, Trung ương đã luân chuyển 39 cán bộ, trong đó bố trí 16 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không là người địa phương. Sau luân chuyển, 14 người được bố trí chức vụ cao hơn, trong đó 1 người được bầu vào Ban Bí thư (ông Nguyễn Hòa Bình), 1 người làm Phó Chủ tịch nước (bà Đặng Thị Ngọc Thịnh) và 1 người làm Phó Thủ tướng (ông Vũ Đức Đam).

Nhiệm kỳ 2010-2015: Trung ương đã luân chuyển 57 cán bộ, trong đó bố trí 16 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không là người địa phương. Sau luân chuyển, 12 cán bộ được bố trí chức vụ cao hơn, trong đó có 2 cán bộ được bầu vào Bộ Chính trị (ông Phạm Minh Chính, ông Võ Văn Thưởng).

Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Trung ương đã luân chuyển, bố trí và phân công 11 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không là người địa phương, trong đó có 3 Ủy viên Bộ Chính trị.

Đối với chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, Trung ương đã luân chuyển 4 người không phải là người địa phương.

Ở cấp huyện, chỉ riêng nhiệm kỳ 2010-2015, có hơn 40% Bí thư huyện ủy, hơn 47%  Chủ tịch UBND huyện không là người địa phương. 24 tỉnh, thành phố có trên 50%, trong đó có 8 tỉnh, thành phố trên 75% bí thư không là người địa phương, 25 tỉnh, thành phố có trên 50% chủ tịch huyện không là người địa phương.

se thuc hien ngay sau hoi nghi trung uong 7 chu truong bi thu cap uy khong la nguoi dia phuong:  hinh 2

Ông Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức T.Ư  trao quyết định phân công của Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Quang Dương - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương - giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Nguyễn Quang Dương quê tại Hoài Đức, TP Hà Nội.

Công an, quân đội, Viện kiểm sát nhân dân cũng tiến hành luân chuyển 

 Cùng với việc luân chuyển cán bộ cấp ủy không là người địa phương, trong những năm qua, Quân ủy Trung ương cũng đã tiến hành bố trí 35% Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và trên 60% Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố không là người địa phương. Đảng ủy Công an Trung ương đã luân chuyển hơn 3100 cán bộ các cấp, trong đó bố trí 43/63 Giám đốc Công an tỉnh, 701/710 Trưởng Công an cấp huyện không là người địa phương. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã luân chuyển 16 cán bộ ở cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về làm Viện trưởng, phó Viện trưởng ở cấp tỉnh, luân chuyển 466 cán bộ phòng nghiệp vụ cấp tỉnh về làm Viện trưởng, Viện phó cấp huyện.

Ngăn chặn tình trạng cục bộ, người nhà, người thân, lợi ích nhóm

Theo đánh giá của Ban soạn thảo Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ, hơn 3 nhiệm kỳ qua, tỷ lệ bố trí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không là người địa phương chưa nhiều. Tuy nhiên, kết quả cho thấy, việc thực hiện chủ trương này là đúng đắn và có hiệu quả. Tại các hội nghị, hội thảo góp ý cho Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ, hầu hết các Bí thư Tỉnh ủy đều đánh giá tốt và đề nghị thực hiện nhất quán, đồng thời cả chức danh Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Thực tiễn cho thấy, cán bộ không là người địa phương có nhiều ưu điểm và thuận lợi hơn trong công tác, nhất là phòng ngừa rủi ro, ngăn chặn được tình trạng cục bộ, người nhà, người thân, lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng tới công tác cán bộ và điều hành các hoạt động kinh tế- xã hội ở địa phương. Cán bộ tại chỗ dù có khách quan, có muốn liêm khiết, đôi khi cũng khó thực hiện vì bị tác động bởi các mối quan hệ sẵn có. Vì thế, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và có sức lan tỏa lớn, Đề án chỉ tập trung vào chức danh Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương để quyết tâm thực hiện bằng được; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Thực tế thì các nước xung quanh, có cùng thể chế với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, họ đã thực hiện việc này từ lâu. 

se thuc hien ngay sau hoi nghi trung uong 7 chu truong bi thu cap uy khong la nguoi dia phuong:  hinh 3

Ông Phạm Minh Chính- Trưởng Ban Tổ chức TƯ trao quyết định của Bộ Chính trị điều động ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015- 2020. Ông Lại Xuân Môn quê ở Nam Định. Ảnh: Chinhphu.vn

Ngay sau Hội nghị Trung ương 7 sẽ triển khai chủ trương nhất quán bí thư cấp ủy không là người địa phương 

Theo Ban soạn thảo Đề án, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, cơ bản bố trí Bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Đến nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ thực hiện dứt điểm chủ trương này trên toàn quốc.

Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức cấp ủy các cấp phải nhanh chóng, kịp thời, quyết tâm cao độ, tham mưu cho cấp ủy các cấp, Bộ Chính trị, Ban thường vụ các tỉnh xem xét, đánh giá toàn thể đội ngũ cán bộ trong quy hoạch dự nguồn để xem xét, chuẩn bị nhân sự thật sớm chứ không phải đợi đến năm 2019-2020 mới bắt đầu xây dựng phương hướng công tác nhân sự, tiến hành bố trí, phân công. Công việc này sẽ được tiến hành ngay sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, bắt tay ngay vào việc sắp xếp, tính toán phương án nhân sự. Có thể đến Đại hội sắp tới, có cán bộ vẫn được bầu ở địa phương nhưng sau Đại hội sẽ đi luân chuyển để thực hiện đúng chủ trương của Đảng.

Việc bố trí con người phải được thực hiện trên tinh thần xem xét, lựa chọn, bố trí chặt chẽ và quan trọng nhất là chọn đúng người, có phẩm chất, năng lực, uy tín, đủ sức gánh vác nhiệm vụ khi được giao phó.

Theo tiêu chuẩn về cán bộ, nhất  là cán bộ cấp chiến lược, yêu cầu đặt ra là: Cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới. Như vậy, việc luân chuyển trở thành yêu cầu bắt buộc. Thứ hai, đã luân chuyển phải là cấp trưởng vì đó là cấp ra quyết định.

Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để thực hiện việc bố trí các chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không là người địa phương. Các chức danh Phó Bí thư và Chủ tịch tỉnh thì trình Ban Bí thư. Ban thường vụ Tỉnh ủy sẽ bố trí Bí thư huyện không là người địa phương.

Đại diện Ban soạn thảo Đề án Trung ương 7 về công tác cán bộ cho biết, hiện nay, nguồn quy hoạch tất cả các Tỉnh ủy, Thành ủy, các bộ, ban ngành đã có sẵn bởi chúng ta đã có quy hoạch Ban chấp hành Trung ương. Quan trọng nhất là đánh giá chính xác cán bộ và phải lựa chọn đúng cán bộ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Như vậy, vai trò tham mưu, thẩm định, khảo sát cán bộ là rất quan trọng.

Hương Giang/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết