Đại biểu Quốc hội tán thành thí điểm mô hình tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

16:33 03-06-2022 | :163

Laocaitv.vn - Sáng 3/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam và thảo luận về dự thảo Nghị quyết này để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm việc làm phù hợp sau khi chấp hành án 

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người bị kết án phạt tù tăng tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý giam giữ và giáo dục cải tạo, việc tổ chức lao động cho phạm nhân vốn đang gặp nhiều khó khăn, lại càng khó khăn hơn.

"Trong khi đó, hầu hết các trại giam đóng quân trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, nhất là các trại giam khu vực miền Bắc và miền Trung có diện tích nhỏ, phân tán, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, rất khó khăn trong việc tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải hợp tác với các tổ chức, cá nhân để mở rộng ngành nghề liên quan đến công nghệ, máy móc… tạo cơ hội cho phạm nhân lao động, học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, ngành nghề lao động, việc làm cho phạm nhân trong các trại giam hiện nay chủ yếu là các ngành nghề đơn giản như: Lao động nông, lâm nghiệp, thủ công, lao động chân tay, sơ chế…, yêu cầu về trình độ, kỹ năng lao động thấp. Mặt khác, thời gian hợp tác thường ngắn hạn, theo từng năm, mang tính thời vụ, không lâu dài.

Do vậy các ngành nghề này ít có khả năng hình thành kỹ năng nghề lao động thường xuyên và có hiệu quả hạn chế trong việc nâng cao trình độ kỹ năng lao động của phạm nhân trong thời gian chấp hành án, khó đáp ứng yêu cầu, trình độ của thị trường lao động ngoài xã hội nên giảm hiệu quả tái hòa nhập cộng đồng. Trong khi số lượng phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trong độ tuổi sung sức lao động (từ 18 đến 45 tuổi), có nhu cầu lớn để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống chiếm tỷ lệ rất cao trên tổng số phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hằng năm (trung bình là 86,41%).

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, chính sách nhất quán của Nhà nước ta là: "Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội..." . Theo đó, chế độ lao động có vai trò rất quan trọng trong giáo dục cải tạo phạm nhân và là bước chuẩn bị các điều kiện để cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Trong điều kiện giam giữ số lượng lớn phạm nhân, việc tổ chức lao động còn nhằm bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ, phòng ngừa nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội.

Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng-an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế-xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự. 

 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại hội trưởng sáng 3/6 - Ảnh: VGP/N.B
  

Tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết, đa số các đại biểu tán đồng tình với việc ban hành thí điểm mô hình này nhằm thu hút doanh nghiệp, cá nhân hợp tác với các trại giam để tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phân tích: Đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này. Theo thống kê thì trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67 % mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7 % không biết chữ, 54 % trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do. Do đó, nếu không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn.

"Một trong những chính sách rất nhân văn đối với phạm nhân đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2018, đó là chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo đó, phạm nhân chỉ cần chấp hành được 1/2 thời hạn tù, có ý thức cải tạo tốt và đáp ứng một số điều kiện khác có thể được tha tù sớm để tự cải tạo xã hội. Do đó, việc hướng nghiệp ở ngoài trại, dưới sự quản lý chặt chẽ của trại giam cần thiết được đặt ra và bước đầu cho phép thí điểm", đại biểu Thủy nêu rõ.

Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng, đây còn là nội dung mang tính nhân văn, xã hội hóa cao. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, cần phải được đánh giá tác động của mô hình đối với tình hình kinh tế-xã hội, anh ninh trật tự địa phương, sau đó tiến hành sơ kết, tổng kết.

Đại biểu cũng đề nghị rà soát lại quy định tại khoản 2 điều 1 về số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Đại biểu cho rằng không nên giới hạn số trại giam, mà cần căn cứ theo năng lực, khả năng quản lý của trại giam để thực hiện thí điểm này.

Theo Đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh), việc thí điểm thực hiện nghị quyết này là kết hợp lao động giáo dục nhằm cảm hóa, giúp đỡ phạm nhân yên tâm cải tạo, cố gắng lao động, học tập để sửa đổi lỗi lầm, trở thành người tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội sau khi chấp hành án.

Cũng theo đại biểu, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành thí điểm mô hình này sẽ tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự là phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước.

Bà Thu đề nghị cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động hướng nghiệp và học nghề ngoài trại.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) thì cho rằng cần thiết thống nhất việc chi trả công lao động cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam song cần xem xét trả ở mức độ nào. "Quy định trả một phần như dự thảo nghị quyết đã hợp lý hay chưa và việc chi trả một phần này được hiểu như thế nào cũng cần phải làm rõ", đại biểu An đề nghị.

Theo Báo điện tử Chính phủ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết