Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2018: Tìm giải pháp tăng năng suất lao động

20:43 11-01-2018 | :550

Laocaitv.vn  - Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong ngành nông nghiệp, làm cho năng suất lao động tăng nhanh.

Tại Hội thảo chuyên đề “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” - một trong những sự kiện lớn nằm trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2018 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức ngày 10/1 tại Hà Nội, các đại biểu đã tập trung thảo luận và chỉ ra các cơ hội và thách thức ở Việt Nam để cải thiện năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp.

Nhiều tham luận cũng chỉ ra cách làm thế nào để chuyển dịch nền kinh tế từ tăng trưởng dựa trên vốn, lao động, tài nguyên sang tăng trưởng dựa trên năng suất và sáng tạo; giải pháp để tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp trong ngắn hạn và dài hạn…

Chênh lệch trong cơ cấu nguồn lực lao động

Theo GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đặc trưng của kinh tế Việt Nam hiện nay với nguồn lao động dư thừa trong nông nghiệp và khu vực kinh tế cá thể ở mức cao, khiến dư địa tăng năng suất qua tái phẩn bổ nguồn lao động là rất lớn và tỷ lệ đầu tư không thấp nhưng cơ cấu không hiệu quả. 

Các diễn giả thảo luận về thực trạng và giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động tại Việt Nam.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí cao và được ưu đãi về vốn, về đất đai, còn doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé, bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai… Do vậy, việc cải cách thể chế thị trường và sản xuất ở khu vực doanh nghiệp sẽ tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng năng suất.

Mặt khác, theo GS. Trần Văn Thọ, doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang chiếm vị trí lớn nhưng chất lượng FDI còn thấp, ít tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên cao. Liên kết hàng dọc giữa FDI và doanh nghiệp trong nước còn quá yếu nên tác động lan tỏa công nghệ, tri thức kinh doanh đến nền kinh tế còn yếu.

Một đặc trưng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam hiện nay theo GS. Trần Văn Thọ là nhiều doanh nghiệp tư nhân với qui mô quá nhỏ nên năng suất lao động thấp, không có năng lực xuất khẩu và không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Cũng vì quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp tư nhân không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn để cách tân công nghệ.

“Tại Việt Nam, rất ít thông tin về du nhập công nghệ của các doanh nghiệp, không có số liệu về ngoại tệ dành cho du nhập công nghệ. Cần có chính sách định hướng về công nghiệp hóa, coi đó là mũi đột phá năng suất vì đối với một nước còn ở mức thu nhập trung bình, nhất là trung bình thấp, công nghiệp sẽ là khu vực năng động nhất và có năng suất dư địa cách tân công nghiệp lớn nhất”, GS. Trần Văn Thọ chỉ rõ.

GS. Trần Văn Thọ cũng chỉ ra rằng, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng hiện đại sẽ thu hút lao động dư thừa trong ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Điều này sẽ “phá hoại một cách sáng tạo” khu vực kinh tế cá thể làm cho năng suất lao động tăng nhanh.

Bởi lẽ, khi công nghiệp hóa không tiến triển, lao động sẽ chuyển sang các ngành dịch vụ giá trị thấp. Trong khi lực lượng lao động ở Việt Nam sắp hết giai đoạn dân số vàng nhưng công nghiệp hóa Việt Nam vẫn đang ở vị trí thấp trong nền kinh tế cũng như trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn

Từ những thực tế trên, GS. Trần Văn Thọ khuyến cáo, Việt Nam có thể phát triển tốc độ cao, vượt qua bẫy thu nhập trung bình dễ dàng nếu có chiến lược tận dụng tiềm năng đang có và lợi thế nước đi sau. Dư địa để tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang hình thức tổ chức doanh nghiệp hiện đại, từ tăng qui mô doanh nghiệp đang quá nhỏ hiện nay.

“Việt Nam cần khuyến khích du nhập công nghệ, kết hợp với phát triển thị trường vốn sẽ thúc đẩy đầu tư theo hướng cách tân công nghệ, tăng năng suất. Cần tiến hành công nghiệp hóa theo chiều sâu và theo diện rộng để tránh hiện tượng công nghiệp hóa quá sớm, tạo việc làm năng suất cao cho lao động chuyển từ nông nghiệp và khu vực cá thể. Cùng với đó là việc thay đổi chiến lược thu hút FDI, doanh nghiệp trong nước sẽ tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu và tăng năng suất qua chuyển giao công nghệ”, GS. Trần Văn Thọ khuyến nghị.

Chỉ ra những khiếm khuyết của nền kinh tế Việt Nam, GS. Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) cho rằng, sự tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do số lượng nguồn vốn và lao động, không phải là chất lượng năng suất lao động.

Trong khi đó, chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao ở Đông Á. Chính vì thế, chất lượng chính sách của Việt Nam cần phải được cải thiện cả về tư duy và khả năng nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

“Từ năm 1995, Nhật Bản đã hỗ trợ các hệ phương pháp và nghiên cứu chính sách công nghiệp của Việt Nam theo nhiều cách khác nhau, nhưng kết quả thu được vẫn rất hạn chế. Chính phủ Việt Nam cần thực hiện nhiều dự án nâng cao năng suất hơn nữa và Nhật Bản sẵn sàng hợp tác ở các lĩnh vực mà Nhật Bản có thể hỗ trợ”, GS. Kenichi Ohno cho biết.

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, để cải thiện năng suất lao động, Việt Nam cần có sự đột phá cải cách về tư duy ngoài những đột phá khác như cơ sở hạ tầng, thể chế, giáo dục. Trong đó, việc tận dụng cách mạng khoa học 4.0 là cơ hội lớn cho việc thúc đẩy tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo từ chính chiến lược phát triển công nghệ và khoa học công nghệ./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết