Hoạt động của HĐND: Phải khắc phục tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”

15:56 21-02-2022 | :347

Laocaitv.vn - Nhiệm vụ, phương hướng hoạt động của HĐND năm 2022 đặt ra là phải khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”, tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri.

Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực miền Bắc) diễn ra sáng 21/2, tại Nhà Quốc hội.

Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 (khu vực phía Bắc). 

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo, đại diện các cơ quan Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp… và hơn 200 đại biểu là các Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, lãnh đạo đoàn Đại biểu Quốc hội... của 25 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc.

Tình trạng tiếp xúc “đại cử tri” còn phổ biến

Tại Hội nghị, Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Nguyễn Thị Thanh cho biết, nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm kỳ đầu tiên HĐND các cấp thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nhiều địa phương, HĐND đã phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Khu vực phía Bắc).

HĐND cấp tỉnh đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động (coi trọng khâu chuẩn bị các nội dung theo chương trình kỳ họp, nhất là các báo cáo thẩm tra; tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp với họp trực tiếp; đề cao vai trò của Thường trực HĐND trong công tác điều hòa, phối hợp, điều hành kỳ họp, vai trò thẩm định, thẩm tra, kiến nghị của các Ban; áp dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận tài liệu kỳ họp, tài liệu được gửi đến đại biểu HĐND sớm (có thời gian nghiên cứu, góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, …).

Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù là năm đầu tiên thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị, nhưng đã chủ động, trách nhiệm và quyết tâm cao trong việc tham mưu với cấp ủy chuẩn bị được đầy đủ số lượng đại biểu HĐND và nhân sự đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, hoàn thành tốt việc kiện toàn tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương các cấp đúng theo cơ cấu, thành phần và dự kiến của cấp ủy Đảng, bầu Hội thẩm nhân dân quận của HĐND thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng và bố trí đủ số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các Ban.

Việc tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề trong năm đã góp phần chủ động trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương và kịp thời kiện toàn công tác tổ chức của HĐND đảm bảo hoạt động được liên tục; hoạt động giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố phương thức giám sát theo hướng gọn về thành phần, tăng cường hoạt động khảo sát trước khi tổ chức giám sát…

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại hạn chế.

Chủ yếu là: tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo, nghị quyết do UBND chuẩn bị đến Thường trực và các Ban của HĐND chậm nên ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban; Có địa phương tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành nghị quyết quá nhiều, có thể ảnh hưởng đến chất lượng của nghị quyết; Chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND ở một số địa phương hiệu quả chưa cao, thực sự chưa khoa học; Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức. Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND còn lúng túng về phương pháp, cách thức, nội dung giám sát. Tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi còn tình trạng tiếp xúc “đại cử tri” là phổ biến; Hiệu quả của công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít; Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng chưa sâu…

Khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2022, HĐND các cấp cần tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và cán bộ cũng như phương thức hoạt động, trước hết là rà soát và hoàn thiện các quy chế hoạt động của Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND; quy chế phối hợp giữa HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, UBMTTQVN tỉnh; công tác tiếp xúc cử tri... theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”; chủ động tham gia từ sớm, từ xa của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND trong việc thẩm tra và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình, cách thức điều hành phiên họp dân chủ, khoa học, trách nhiệm, kỳ họp HĐND đảm bảo đúng quy định và linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch tại địa phương. Công tác giám sát tổ chức theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; cần tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của HĐND các cấp. Nội dung Nghị quyết của HĐND khi được ban hành phải bảo đảm tính khả thi cao, không trái thẩm quyền, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề "nóng" và "điểm nghẽn", đang được cử tri và dư luận quan tâm, bao quát trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, cần tập trung vào những vấn đề "nóng", những vấn đề quan trọng của địa phương, được đông đảo cử tri và dư luận quan tâm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, người nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đúng thẩm quyền, không chất vấn theo kiểu "hỏi để biết". Nội dung trả lời phải trọng tâm, ngắn gọn, phải xác định được nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, tồn tại mà đại biểu HĐND đã đặt ra..../.


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết