Liệu đã đủ điều kiện để bỏ sổ hộ khẩu?

15:57 12-05-2020 | :408

Laocaitv.vn - Đồng ý hướng bỏ sổ hộ khẩu để thay thế bằng số định danh cá nhân, song không ít ý kiến băn khoăn vì cơ sở dữ liệu chưa hoàn thiện.

Sáng 12/5, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp 28 theo hình thức trực tuyến.

Nêu ý kiến thẩm tra Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), các đại biểu cho rằng việc bỏ Sổ hộ khẩu quản lý cư trú của công dân sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình.

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 28 bằng hình thức trực tuyến.

Thẩm tra dự án luật Cư trú (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân được cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ phương thức quản lý cư trú mới. Bởi việc này chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, theo Báo cáo của Bộ Công an, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư, bố trí kinh phí cho hoạt động này còn chưa bảo đảm nên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện...

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, bỏ sổ hộ khẩu chỉ là hình thức, về bản chất chúng ta thay đổi phương thức thức quản lý dân cư từ việc cầm sổ hộ khẩu giấy, khi làm việc với cơ quan nhà nước và làm việc liên quan đến vấn đề hộ khẩu, dân cư thì người dân không phải cầm sổ hộ khẩu.

"Tuy nhiên, dưới góc độ là đại biểu Quốc hội thì Quốc hội và các cơ quan rất quyết tâm từ xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, cụ thể là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từ đó tích hợp, giải quyết công việc hành chính của người dân thuận lợi nhất” - ông Giang nói.

Các ý kiến cho rằng, khi thay đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình như: trong các lĩnh vực giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…, cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân như: hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng… Vì việc chứng minh hộ gia đình và các thành viên hộ gia đình chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu.

Tuy nhiên, phân tích dưới góc độ kinh tế, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương cho rằng, bỏ hộ khẩu giấy sẽ tiết kiệm nhân lực, con người, thời gian, chi phí ngân sách. Khi Chính phủ đưa vào Cổng dịch vụ công quốc gia rõ ràng các doanh nghiệp, người dân rất thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ công./.

Lại Hoa/VOV1


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết