Ra mắt Trung tâm Hoà giải Việt Nam

15:36 29-05-2018 | :468

Laocaitv.vn - Ngày 29-5, tại Hà Nội, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hoà giải Việt Nam (VMC) và công bố Quy tắc hoà giải, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới. Trung tâm Hoà giải Việt Nam là một trong những tổ chức đầu tiên cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa các doanh nghiệp thông qua hoà giải.

VMC giới thiệu các hoà giải viên tại lễ ra mắt.

VMC giới thiệu các hoà giải viên tại lễ ra mắt.

Tham dự Lễ ra mắt có đông đảo đại diện các Bộ, ngành trung ương, VCCI, Toà án TP Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp, các luật sư, các chuyên gia và đặc biệt có sự tham dự của các hoà giải viên là những người có uy tín cao trong xã hội.

Hoà giải thương mại là một trong những phương thức tiến bộ để giải quyết khi tranh chấp xảy ra giữa các doanh nghiệp trong các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, sau khi được toà án quyết định công nhận việc hoà giải.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC cho biết, việc sử dụng các phương thức khác thay cho phương thức toà án là một nét tiến bộ trong việc xử lý tranh chấp. Trong đó, bên cạnh phương thức sử dụng trọng tài thương mại thì phương thức hoà giải cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Về khung pháp lý để giải quyết tranh chấp thương mại của Việt Nam, bên cạnh Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017 về hoà giải thương mại nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài; toà án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Do đó, các Quy tắc Hoà giải của VMC được VIAC xây dựng trên cơ sở tuân thủ khung pháp lý đã có của Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì việc tạo ra cơ chế, chính sách giải quyết tranh chấp là rất quan trọng, là một trong những điều kiện của môi trường kinh doanh, đầu tư. Trong các phương thức giải quyết khi xảy ra tranh chấp, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, hoà giải là phương thức không mang tính áp đặt, các hoà giải viên chỉ đóng vai trò trung gian trong việc tìm ra các giải pháp để giải quyết tranh chấp. Các giải pháp là do chính các bên liên quan tự đàm phán, thoả thuận và đưa ra. Cho nên, hoà giải mang nhiều ưu điểm so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác như: thủ tục “nhanh gọn", hiệu quả; tránh “mất mát” khi bảo đảm việc không mất đối tác khi xảy ra tranh chấp; các giải pháp được đưa ra trên cơ sở tự nguyện, không áp đặt, tạo tâm lý cởi mở tháo gỡ vướng mắc giữa các bên liên quan, do đó tạo nên một môi trường kinh doanh cũng như môi trường xã hội tốt hơn khi tránh được các vụ kiện tụng.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, hoà giải là phương thức để giải quyết các tranh chấp rất hữu hiệu, và được áp dụng rộng rãi trên thế giới từ lâu. Việc khuyến khích sử dụng phương thức hoà giải trước khi sử dụng các phương thức khác như toà án, trọng tài ... sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cũng tại lễ ra mắt, lãnh đạo VIAC đã trao Quyết định bổ nhiệm TS Nguyễn Sĩ Dũng làm giám đốc Trung tâm Hoà giải Việt Nam và công bố danh sách của 11 hoà giải viên đầu tiên, gồm các thành viên là những chuyên gia có kinh nghiệm và có uy tín cao trong xã hội.

Theo Nhandan.com.vn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết