Thay đổi cách thi THPT: Bộ GD-ĐT có lường hết các khó khăn?

08:03 29-04-2020 | :322

Laocaitv.vn - Việc tổ chức thi như hiện nay có thực sự giảm tải được áp lực học hành, thi cử cho học sinh, chưa kể khi học sinh “rồng rắn” về các trường tuyển sinh riêng, có đảm bảo việc kiểm soát dịch bệnh?

Cách đây gần 1 tuần, Bộ Giáo dục Đào tạo đã chính thức chốt phương án thi THPT Quốc gia năm 2020 dựa theo những thay đổi kế hoạch năm học 2019-2020. Theo phương án mới nhất mà Bộ GD-ĐT đề xuất là kỳ thi THPT năm nay tổ chức mục đích lấy kết quả xét tốt nghiệp. Như vậy, các trường ĐH, Cao đẳng năm nay sẽ được tự chủ trong việc tuyển sinh và có thể tổ chức kỳ thi riêng.

Thế là sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng cả học sinh và phụ huynh cũng có được phương án cuối cùng về kỳ thi PTTH. Để đưa ra được phương án này, trước hết do thực tế khách quan là dịch bệnh kéo dài và diễn biến khó lường, Bộ GD-ĐT cũng phải xem xét trên trên tình hình dịch bệnh và chương trình học thực tế để đưa ra phương án phù hợp.

Theo mong muốn của Bộ, đề thi sẽ được ra nhẹ hơn, sát với nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ GD-ĐT công bố, phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có độ phân hóa hợp lý để vừa đánh giá được mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông, vừa có thể phân loại được mức độ đáp ứng chuẩn của các thí sinh khác nhau, nghĩa là phân loại được các nhóm học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình và yếu, kém.

Năm nay, do dịch bệnh, chương trình học có nhiều thay đổi, phần lớn các em phải học qua truyền hình, học online nên cũng là một khó khăn không nhỏ.

Nhưng thực tế, việc chốt phương án thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, liệu Bộ có lường trước được những khó khăn về nhiều mặt trong công tác tổ chức, thực hiện thi cũng như những áp lực đối với cả phụ huynh và học sinh, chưa kể đến việc đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.

Trước hết, với việc chốt phương án thi khá muộn đã tạo nên khá nhiều áp lực cho phụ huynh và học sinh. Với những học sinh cuối cấp, sau 12 năm đèn sách thì đa số các em và gia đình coi đây là một trong những kỳ thi quan trọng, định hướng tương lai, nghề nghiệp của con em mình. Bình thường, ngay với chính bản thân các em đã tự tạo áp lực về việc học trong năm cuối cấp này. Năm nay, do dịch bệnh, chương trình học có nhiều thay đổi, phần lớn các em phải học qua truyền hình, học online nên cũng là một khó khăn không nhỏ.

Phần lớn các em và gia đình vẫn định hướng việc học, thi sẽ theo cách thức như năm 2019. Điều này càng được củng cố khi ngày 3/4, Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2020. Tuy nhiên, ngày 22/4, Bộ đột ngột thay đổi phương án thi khiến cho đề thi tham khảo không còn giá trị, bởi thay đổi phương án thi đồng nghĩa với việc Bộ lại xây dựng và công bố đề thi minh hoạ cho kỳ thi này. Nhiều học sinh và phụ huynh thực sự bất ngờ và áp lực khi giờ đây đã là cuối tháng 4, con em họ đã học và ôn luyện theo hướng của phương án thi năm ngoái, thay đổi đột ngột khiến họ cảm thấy hoang mang, khó xoay sở.

Thứ hai, theo mong muốn của Bộ, việc các trường tổ chức tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng là tiến tới lộ trình để các trường tự chủ giáo dục như đã đề ra, trong đó có việc tuyển sinh riêng phù hợp với chất lượng đào tạo. Việc thay đổi, đổi mới phương thức tổ chức thi là rất cần thiết trong việc đổi mới, phát triển giáo dục. Nhưng với tình hình thực tế hiện nay của nhiều trường, nhiều địa phương, khi mà chưa có sự chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt, chưa có định hướng trong việc đổi mới dạy và học, sự thay đổi này sẽ thực sự gây cho họ không ít khó khăn, xáo trộn.

Trước kia, chúng ta cũng từng để các trường tổ chức tuyển sinh riêng và đã có thời gian rất dài việc này được được đưa ra bàn thảo, nâng lên đặt xuống và cuối cùng đã “chốt” phương án thi “hai trong một”, trong đó mục đích chính là giảm cồng kềnh, tốn kém và tiêu cực.

Sau nhiều năm thực hiện kỳ thi “hai trong một”, chúng ta đã nhìn thấy nhiều bất cập của kỳ thi này, đặc biệt là từ vụ gian lận thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La… gây rúng động dư luận. Chúng ta cũng đã tính đến việc phải thay đổi kỳ thi “hai trong một”, nhưng cần phải có lộ trình, thay đổi một cách khoa học trên nền tảng đã được chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất và chương trình đào tạo.

Vì thế, cách thay đổi phương án thi như hiện nay, Bộ để các trường tự chủ trong việc tuyển sinh, trong đó nhiều trường tuyển sinh riêng mà không có lộ trình cụ thể trong giai đoạn nào, những trường nào được làm việc này, thời điểm nào tổ chức đại trà ở tất cả các trường… sẽ khiến cho công tác tuyển sinh của các trường gặp nhiều khó khăn, xáo trộn. Chưa kể đến việc có chắc chắn rằng, các trường tự chủ tuyển sinh sẽ không xảy ra tiêu cực?. Vậy nên, nếu trao quyền tự chủ tuyển sinh riêng cho các trường trong thời điểm này, cần phải có sự quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của Bộ GD-ĐT.

Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường như vậy, việc các trường tổ chức tuyển sinh riêng, đồng nghĩa với việc học sinh ở các nơi lại phải “rồng rắn” kéo về trường mình đăng ký để thi tuyển. Với những nơi có mật độ thí sinh đăng ký đông, liệu có đảm bảo an toàn trong khi cả xã hội đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Đó là chưa kể đến việc đi lại giữa địa phương này với địa phương khác với cường độ cao, cũng là khó khăn trong kiểm soát, kiềm chế dịch bệnh. Rồi cả việc với mỗi thí sinh đi thi lại “kèm theo” ít nhất một người nhà, việc thuê nhà trọ, phương tiện đi lại… không chỉ tốn kém cho gia đình mà còn nguy cơ gây ra nhiều hệ luỵ phức tạp khác.

Bấy lâu nay, chúng ta cũng nói nhiều, bàn nhiều đến việc công nhận kết quả tốt nghiệp THPT. Thực tế hiện nay, ở ngoài thị trường, tấm bằng này không hề có giá trị để xin việc mà đơn thuần là giấy chứng nhận các em đã hoàn thành chương trình học phổ thông. Và với kết quả thi tốt nghiệp năm nào cũng đạt trên 95-98%, liệu chúng ta có nên giữ lại một kỳ thi như thế, trong khi để tổ chức kỳ thi khá vất vả và tốn kém. Vậy nếu khi không tổ chức kỳ thi “hai trong một”, chúng ta có nên mạnh dạn bỏ kỳ thi này tốt nghiệp THPT mà chỉ cần xét kết quả tốt nghiệp, cấp giấy hoàn thành chương trình THPT cho học sinh dựa trên kết quả 12 năm học, đặc biệt là 3 năm THPT?

Thứ 3, theo thông báo của Bộ, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH). Trong đó, bài thi KHTN gồm tổ hợp 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Bài thi KHXH gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân. Riêng với thí sinh giáo dục thường xuyên (GDTX) bài tổ hợp có 2 môn Lịch sử, Địa lí.

Bộ GD-ĐT cũng cam kết đề thi năm nay sẽ theo nguyên tắc "học gì thi nấy, giảm độ khó, độ phân hoá" để đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo, có tính đến việc giảm tải nội dung, giảm độ khó, độ phân hóa của đề thi cho phù hợp với hoàn cảnh của giáo dục trong điều kiện dịch Covid-19.

Nhưng thực tế, số môn thi vẫn như cũ. Khi nội dung đề thi đối với học sinh và phụ huynh vẫn còn ở phía trước thì họ không hề thấy được giảm tải mà còn cảm thấy áp lực hơn khi vẫn phải học từng ấy môn để đảm bảo “đỗ” tốt nghiệp. Trong khi đó, gần một học kỳ qua, việc học online đối với các em đã rất khó khăn để tiếp thu khối lượng kiến thức cần thiết cho việc thi Đại học, chưa kể đến nhiều học sinh ở các tỉnh lẻ, vùng nông thôn, miền núi thì lại càng khó khăn gấp bội.

Việc nhiều trường tự tổ chức tuyển sinh trong thời điểm gấp gáp như thế này cũng khiến kế hoạch học tập, đăng ký trường tuyển sinh của nhiều học sinh bắt buộc thay đổi. Mà với nhiều em, những thay đổi là rất khó khả thi vì thời gian không còn nhiều, lại càng tạo cho các em tâm lý không tốt. Trong khi đó, tâm lý cũng là phần quan trọng quyết định hiệu quả học và thi của các em.

Nên chăng, thay vì thi  3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một trong 2 bài thi tổng hợp khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp khoa học xã hội (KHXH) như phương án hiện nay, để phù hợp với tình hình dịch bệnh có thể giảm tải các môn thi. Đó là việc không yêu cầu học thi đủ 4 bài thi như trước đây, mà cho đăng ký theo nhu cầu. Thí sinh muốn dùng môn nào để tuyển vào ngành, trường nào thì tự cân đối và đăng ký thi môn đó. Như thế, các trường ĐH, CĐ khi tuyển sinh cũng giảm được gánh nặng, vừa có cơ sở khoa học khách quan khi tuyển sinh với đúng nhu cầu của trường.

Chúng ta luôn mong muốn đổi mới giáo dục một cách toàn diện, việc thay đổi là điều cần thiết trong phát triển, nhưng phải trên cơ sở có lộ trình, khoa học, có kế hoạch mang tính lâu dài và phải có sự chuẩn bị, hướng dẫn cụ thể. Khi xác định rõ điều này, sự thay đổi mới hiệu quả, mới thực sự đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, đúng như yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương./.

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết