Laocaitv.vn - Thói “vô tư” khạc nhổ không chỉ là những hành động mông muội trong xã hội ngày càng văn minh, mà nó đang góp phần làm tăng sự lây lan của dịch bệnh…
Laocaitv.vn - Thói “vô tư” khạc nhổ không chỉ là những hành động mông muội trong xã hội ngày càng văn minh, mà nó đang góp phần làm tăng sự lây lan của dịch bệnh…
Có lần tôi chở cô con gái đi trên đường, phía trước là một thanh niên ăn mặc lịch thiệp, điều khiển chiếc xe máy khá đắt tiền. Bất ngờ anh ta quay lại khạc nhổ ra phía sau, chẳng hiểu thế nào vương cả vào áo khoác của con gái tôi. Tôi phóng xe lên nhắc nhở thì anh ta còn sừng sộ “tôi nhổ ra đường chứ có chủ ý nhổ vào người mẹ con chị đâu”. Thấy thái độ của anh ta như vậy, tôi đành phải im lặng để qua chuyện.
Con gái tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao người lớn làm sai không xin lỗi lại còn lớn tiếng như vậy. Còn cái áo khoác bị bẩn, dù tôi có giặt kỹ đến mấy thì nhất định con gái không bao giờ mặc lại nữa.
Hay có lần, đi phía trước tôi là người phụ nữ trẻ ăn mặc khá sành điệu, vừa lái xe vừa ăn bánh mỳ, chở theo một cháu bé tuổi học mẫu giáo đang hút hộp sữa tươi. Tôi đi đằng sau cứ mãi ngắm nhìn hai mẹ con họ vì sự xinh xẻo, đáng yêu của cô bé và dáng vẻ xinh đẹp, sành điệu của người mẹ trẻ. Bất ngờ, người mẹ vứt tờ giấy ăn sau khi đã sử dụng xuống đường. Ngay sau đó thì cô bé cũng vứt vỏ hộp sữa đã uống hết một cách rất tự nhiên, như đã là thói quen.
Hơi giật mình, vừa ngạc nhiên, vừa chướng mắt, tôi phóng xe lên ngang người mẹ trẻ nhắc nhỏ: “Em ơi, con vứt vỏ hộp sữa ra đường”. Cô gái quay ngang nhìn tôi với ánh mắt thiếu thiện cảm: “Chị lắm chuyện, có vứt vào nhà chị đâu mà phải thắc mắc”.
Một xã hội văn minh không thể tồn tại những thói quen kém văn minh (ảnh minh hoạ- Pháp luật TPHCM)
Đây không phải là đôi lần tôi chứng kiến thói xấu xí của nhiều người đi đường, mà chắc chắn bất kỳ ai tham gia giao thông ở Hà Nội, cũng có thể ít nhất một vài lần gặp phải cảnh tượng như vậy. Đang đi đường, nếu thấy ai đó đằng trước quay mặt sang một bên, thì biết điều né ngay hoặc đi chậm lại để không “lãnh đủ” chất thải ở trong miệng họ khạc nhổ một cách rất tuỳ tiện.
Có lần trên đường Phạm Ngọc Thạch, phía trước tôi là một chiếc xe ô tô sang trọng, xi nhan để tạt đỗ vào lề đường. Xe dừng, tài xế hạ cửa kính xuống, thản nhiên khạc nhổ, vứt giấy ăn xuống đường rồi kéo kính lên đi tiếp coi như không có chuyện gì xảy ra.
Mà không chỉ ở trên đường, ở nơi công cộng, ở quán ăn thậm chí cả ở nơi làm việc, đôi khi hành động xấu xí như vậy vẫn diễn ra. Dù ở những nơi đó có thùng rác ngay bên cạnh, nhưng nhiều người như không nhìn thấy, khi lấy giấy ăn lau bát đũa xong, họ vứt toẹt xuống đất, thậm chí khi ăn phải món cay nóng, nhiều người vô tư xì mũi, nhổ ngay xuống đất mặc dù cùng bàn ăn còn có những người khách khác.
Thật đáng buồn, thói quen xấu xí đó lâu nay tồn tại ở rất nhiều người, trong đó có cả những người trông vẻ bề ngoài bảnh bao, lịch sự mà không ai nghĩ họ sẽ làm vậy, nếu không tận mắt chứng kiến.
Nếu ở những thời điểm khác không có dịch bệnh như bây giờ, thì những người như tôi, sau vài ba lần bắt gặp cảnh tượng đó cũng đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Nhưng ở thời điểm như hiện nay, khi dịch Covid-2019 đang có nhiều diễn biến phức tạp, và theo khuyến cáo của WHO và các cơ quan y tế, cơ chế lây lan của dịch này chủ yếu qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp, lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh và lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn…
Và không chỉ là khuyến cáo, thực tế đang hiển hiện trước mắt, là nỗi lo sợ của tất cả mọi người khi hàng ngày có hàng chục ngàn người mắc Covid-19 và hàng trăm người tử vong. Tính đến thời điểm ngày 17/3, trên thế giới đã ghi nhận 182.538 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 7.166 ca tử vong. Riêng ở Việt Nam số ca mắc cũng không ngừng tăng, gây khó khăn, mệt mỏi trong công tác phòng chống dịch và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Sự lây lan khủng khiếp của dịch, chủ yếu qua đường hô hấp, đến nỗi Thủ tướng Chính phủ đã có quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, nhiều địa phương cũng đã phải dừng hết các lễ hội, đóng cửa các khu du lịch để tránh việc tập trung đông người.
Thói khạc nhổ “vô tư” ở mọi chỗ, mọi nơi không chỉ là những hành động mông muội của những người đang sống trong xã hội ngày càng văn minh, mà hành động đó đang khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.
Vì thế, đã đến lúc, không thể để thói khạc nhổ trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người trong mùa dịch bệnh, mà cần phải có những biện pháp, quy định để hạn chế hành động xấu xí này.
Một xã hội văn minh, không thể tồn tại những thói quen kém văn minh đến vậy./.
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết