"Cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường để biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"

16:39 27-08-2022 | :573

Laocaitv.vn - “Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa độc đáo, lại là căn cứ của cách mạng, là "phên dậu" của Quốc gia, do vậy, phát triển khu vực này trở hành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển nhanh của cả nước thì cần có cách tiếp cận tổng thể gắn với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn” - đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng truyền đi thông điệp "Cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường để biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".

Như đã thông tin, sáng 27/8, tại thành phố Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vào Vùng với chủ đề "Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển".

Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị với chủ đề "Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển".

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có ý nghĩa hết sức to lớn trong phát huy thế mạnh, tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố vai trò "phên dậu" và "lá phổi" của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đối với đất nước.

Để triển khai hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, ngày 1/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96 nhằm thống nhất công tác chỉ đạo của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong việc quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết. Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định các mục tiêu, 21 chỉ  tiêu và  6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, môi trường của vùng đến năm 2030. Trong đó có một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8% - 9%; quy mô kinh tế vùng đến năm 2030 đạt 2,1 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân của người dân đạt khoảng 140 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 2% - 3%/năm, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 54 - 55%... Hình thành 5 cực tăng trưởng trong vùng, bao gồm Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn.

Hội nghị cũng đã công bố Quyết định 999 ngày 23/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2011 - 2025 nhằm tham mưu, đề xuất, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị cũng đã nghe tham luận của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tư duy mới về phát triển nông nghiệp bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc; tham luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về vai trò của giao thông trong tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham luận về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham luận về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hội nghị cũng đã nghe tham luận của đại diện lãnh đạo Bộ Công an; tham luận của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về một số khuyến nghị về chính sách giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao mức sống tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Ngân hàng Châu Á (ADB) có tham luận về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng du lịch vùng Trung du, miền núi phía Bắc; tham luận về cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đồng hành với sự phát triển khu vực Trung du, miền núi phía Bắc của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản; tham luận về tiềm năng vùng Trung du, miền núi phía Bắc và cơ hội hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc của Cơ quan Hợp tác quốc tế của Hàn Quốc (KOIKA)…

Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đề xuất một số giải pháp liên quan đến đổi mới tư duy về liên kết vùng, xác định, nhận thức rõ bản chất, nội hàm của liên kết để xác định thứ tự, cụ thể hóa những nội dung ưu tiên thực hiện; cần tạo động lực cho "Vùng kinh tế đặc thù" bằng "Cơ chế, chính sách đặc thù"; đi đôi với tạo mới nguồn lực cần phát huy sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực hiện có.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong phát biểu tham luận tại hội nghị.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tham luận của Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cũng xác định 5 nhiệm vụ cụ thể mà Lào Cai cần triển khai để thực hiện Nghị quyết:

Thứ nhất, ưu tiên, chú trọng nâng cao đời sống, thu nhập Nhân dân khu vực đồng bào thiểu số gắn với sắp xếp, ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ cho dân cư biên giới; tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp để bảo vệ rừng, nước đầu nguồn; thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động giao thương kinh tế qua biên giới; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm Logistics quan trọng của cả nước.

Thứ ba, tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu giao thông đồng bộ, hiện đại, với đầy đủ các loại hình giao thông kết nối ngang, kết nối dọc liên tỉnh, liên vùng và với Quốc tế.

Thứ tư, xây dựng Lào Cai thành hạt nhân du lịch, văn hóa của vùng và cả nước.

Thứ năm, phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, duy trì vai trò cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước nhất là các sản phẩm công nghiệp mới, có giá trị gia tăng lớn.

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phải là hình mẫu phát triển nhanh của cả nước

Sau khi phát biểu một số nội dung có tính chất nền tảng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ không chỉ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước mà còn là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển vùng. Tuy vậy, so với cả nước thì các tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Năng lực cạnh tranh của vùng chưa cao. Quy mô kinh tế còn khá nhỏ; cơ cấu nội ngành và giữa các ngành chuyển dịch còn chậm. Các địa phương trong vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Là vùng trũng trong phát triển, là “lõi nghèo” của cả nước...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Theo Thủ tướng, để phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trong thời gian tới, trước hết phải bám sát 5 quan điểm theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, cũng như các mục tiêu chủ yếu mà Nghị quyết này đề ra.

“Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể gắn với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn; các địa phương trong vùng và các bộ, ngành liên quan tập trung quán triệt tinh thần “Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước” và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc ngày 15/4/2022 quán triệt và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW; tập trung phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, các tỉnh trong vùng tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19, nhất là quyết liệt triển khai tiêm vaccine cho người dân; tập trung xây dựng quy hoạch vùng, hướng tới phát triển cân bằng và hài hòa các lĩnh vực, đảm bảo “an sinh - an ninh – an dân”, giữ đất, giữ rừng, ổn định dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, từ đó phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu; ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên kết vùng, kết nối cảng biển, sân bay, các cửa khẩu quốc tế chính; hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của Vùng…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh thêm: “Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân; tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng ta phải xây dựng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; là phòng tuyến về hợp tác, phát triển kinh tế”.

Để đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư vào vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến phù hợp để rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan và lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. “Tinh thần đặt ra là thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết ngay và kịp thời báo cáo, đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền”. Từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác quan tâm đầu tư quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “tâm, tài, trí, tín”; “chân thành, trách nhiệm”. Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nhiệm vụ phát triển vùng đặt ra đối với các cấp, các ngành, trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các địa phương trong vùng là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang - đó cũng là con đường tất yếu để vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển toàn diện, bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. “Phải đi lên từ bàn tay, khối óc, tự lực, tự cường, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể…”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu chứng kiến Lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp.

Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương chấp thuận đầu tư, chương trình hợp tác để thúc đẩy phát triển nhanh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tại sự kiện này, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Bát Xát với tổng vốn đầu tư hơn 435 tỷ đồng cho Công ty cổ phần CĐ Việt Nam; trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chế biến quế hữu cơ Bảo Thắng Lào Cai, với tổng vốn đầu tư hơn 411 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam; trao đổi Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư với Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Nhóm Phóng viên thời sự


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết