Cần thực hiện quyết liệt hơn nữa trong việc chống dịch tả lợn châu Phi ở huyện vùng cao

08:32 28-08-2019 | :444

Laocaitv.vn - Dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại tỉnh Lào Cai được hơn 03 tháng, đến nay toàn tỉnh đã có 30 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch. Bệnh dịch nguy hiểm này đã làm suy giảm khoảng 4% tổng đàn và thiệt hại nhiều tỷ đồng của nông dân. Ở những địa phương có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì dịch bệnh này đã cơ bản được khoanh vùng, giúp nông dân yên tâm tái đàn tại chỗ.

Dịch tả lợn châu Phi đã làm suy giảm khoảng 4% tổng đàn và thiệt hại nhiều tỷ đồng của nông dân Lào Cai.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại huyện Si Ma Cai vào cuối tháng 5 và đã lây lan ra 6 xã, tuy nhiên, số hộ có lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy rất ít do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có 14 hộ với 82 con lợn. Vì thế, tại mỗi địa phương có dịch, việc khoanh vùng, dập dịch và giám sát vận chuyển được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Đến thời điểm này, trên quy mô toàn huyện đã 30 ngày không phát sinh hộ gia đình nào có lợn bị chết do dịch tả châu Phi, những hộ có lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy cũng đã được nhận nguồn hỗ trợ theo quy định. Ông Thào Seo Lừ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: "Sau khi tiêu hủy thì chúng tôi giám sát chặt chẽ những hộ này, từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6 thì cơ bản dịch đã được khống chế. Chúng tôi tham mưu cho huyện dùng nguồn kinh phí mua vôi bột hỗ trợ bà con rắc xung quanh chuồng trại và lối đi đảm bảo không có dịch lây lan. Trong thời gian xảy ra dịch tại các chợ trên địa bàn huyện, chúng tôi thông tin cho bà con không bán thịt lợn, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không lây lan dịch bệnh.

Huyện Bắc Hà là địa phương có số lợn bệnh buộc phải tiêu hủy cũng như số hộ có lợn bị bệnh ít nhất toàn tỉnh. Thôn Nậm Kha, xã Nậm Lúc là một trong những xã của huyện có lợn bị nhiễm bệnh, tại thời điểm có dịch, đàn lợn của thôn luôn được kiểm đếm hàng ngày. Người dân không được mang lợn từ thôn đi các thôn khác và ngược lại, xã Nậm Lúc đã lập các chốt kiểm soát nghiêm ngặt, không để người dân vận chuyển lợn từ xã Nậm Lúc đi các địa phương khác, với cách làm như vậy nên dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Hà được khống chế. Hiện địa phương này cũng đã qua 30 ngày và người dân có thể tái đàn chăn nuôi tại chỗ. Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: "Chúng tôi tái đàn tại chỗ là vì các giống địa phương và con nái địa phương chúng tôi vẫn cho đẻ bình thường. Riêng giống lợn nhập từ nơi khác đến thì chúng tôi khuyến cáo bà con là tuyệt đối không nên nhập vì trên địa bàn toàn quốc hiện nay dịch bệnh chưa được khống chế".

Huyện Bát Xát dịch tả lợn châu Phi hiện vẫn đang lây lan mạnh.

Tình hình dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lây lan mạnh ở một số địa phương vùng cao như huyện Bát Xát, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến dịch bệnh nguy hiểm này tại huyện Bát Xát đang lây lan mạnh đó là: Do người dân không khai báo khi lợn có những biểu hiện của bệnh; tự ý mổ lợn bệnh để ăn hoặc bán; việc vận chuyển thiếu kiểm soát giữa các địa phương trong huyện. Hiện số lợn buộc phải tiêu hủy của huyện Bát Xát đã gấp đôi số lợn tiêu hủy của huyện Bảo Thắng. Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai cho biết: "Chúng tôi đã cử cán bộ vào cùng trung tâm dịch vụ, phòng nông nghiệp và chính quyền các địa phương tập trung khoanh vùng dịch, hạn chế thấp nhất việc giết mổ, vận chuyển và nếu chỗ nào phức tạp, sẽ tạm dừng việc giết mổ, cấm vận chuyển ra khỏi địa phương theo đúng Thông tư sô 07 của Bộ".

Việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi phải được thực hiện từ chính mỗi hộ gia đình thông qua thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín và coi trọng công tác phòng dịch. Về lâu dài, cần thiết lập các chuỗi chăn nuôi lợn theo hướng: Doanh nghiệp, HTX cung cấp con giống, vắc xin, thức ăn; hộ dân có đủ điều kiện sẽ tham gia nuôi lợn. Sau đó, doanh nghiệp, HTX sẽ thu mua lại lợn theo giá thỏa thuận hoặc nông dân có thể bán cho cơ sở giết mổ nếu giá bán ở mức cao hơn./.

 Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết