Cẩn trọng khi mở rộng vùng nguyên liệu dược liệu

19:24 15-01-2018 | :1019

Laocaitv.vn - Phát triển cây dược liệu là hướng đi đúng đang được tỉnh Lào Cai khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị tham gia liên kết cùng bà con nông dân. Tuy nhiên, mở rộng vùng nguyên liệu đối với các loại cây trồng khá nhạy cảm này rất cần có hướng đi thận trọng, tuân theo quy hoạch, đặc biệt là vấn đề liên kết từ sản xuất đến thu mua, chế biến, tránh tình trạng bà con tự mở rộng diện tích nhưng chưa nhìn thấy đầu ra của sản phẩm. Bài viết sau đề cập về việc phát triển cây sa nhân tím tại xã Sín Chéng – huyện Si Ma Cai.

Gia đình anh Sùng A Pao – ở thôn Mào Sao Chải – xã Sín Chéng – một hộ được xem là khá nhanh nhạy trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Anh Pao cho biết: khi xem qua ti vi, nghe đài báo thấy các nơi khác trồng cây sa nhân tím có hiệu quả kinh tế cao, anh đã tự tìm hiểu thêm và liên hệ mua giống về trồng. Hiện tại, khu đồi đất có vị trí thuận lợi, rộng và đẹp nhất đã được trồng cây dược liệu này. Sau 9 tháng trồng, cây đang phát triển tốt, theo dự định của anh Pao, nếu mang lại hiệu quả cao thì anh sẽ chuyển toàn bộ diện tích ngô nhà mình sang trồng sa nhân tím. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của anh Pao hiện nay đó là thị trường tiêu thụ.

Người trồng sa nhân tím ở xã Sín Chéng – huyện Si Ma Cai lo lắng đầu ra cho sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Xác định muốn nâng cao thu nhập cho người dân thì nhất thiết phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mới. Từ nhận thức này, cùng với vận động bà con mở rộng quy mô đàn vịt đẻ trứng, nuôi trâu hàng hóa và lợn đen bản địa, đích thân lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã Sín Chéng - huyện Si Ma Cai đã đến một số xã của huyện Bát Xát tham quan, học hỏi kinh nghiệm và quyết định đưa cây sa nhân tím vào trồng. Trong đó, Bí thư Đảng ủy Thào Seo Vảng là một trong những người tích cực bắt tay vào trồng cây dược liệu này. Từ ý tưởng ban đầu cách đây chưa lâu, đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Sín Chéng đã có khoảng 5ha cây sa nhân tím, với khoảng 50 hộ gia đình tham gia, hầu như toàn bộ diện tích này đều được trồng mới trong năm 2017. Năng động đưa cây trồng mới vào trồng là chủ trương đúng, rất đáng khuyến khích, đặc biệt là cây dược liệu, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc mở rộng diện tích cây sa nhân tím tại địa phương này chưa có quy hoạch cụ thể, hầu hết là trồng tự phát, bà con tự bảo nhau làm. Hiện tại, sa nhân tím đang phát triển tốt và tỏ ra hợp với đất đai, khí hậu tại đây, nhưng còn một mối lo hơn mà có thể nhiều người dân chưa nghĩ đến, còn cấp ủy, chính quyền địa phương thì đang khá lo lắng. Bản thân Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Chéng ông Đỗ Đình Giao cũng thừa nhận rằng: thị trường đang là vấn đề khó khăn nhất, bởi việc tiêu thụ sản phẩm vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào phía Trung Quốc.

Theo tính toán, từ khi đưa vào trồng, phải 3 năm sau cây sa nhân tím mới cho thu hoạch. Bởi đây là loại cây dược liệu đặc thù nên kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt là bao tiêu sản phẩm như thế nào là điều bắt buộc phải tính đến, nếu không muốn thất bại. Hiện giá một cây sa nhân giống nếu mua tại nơi sản xuất là 4 nghìn đồng, nhưng bà con mua qua đầu mối cung cấp về địa phương có thể lên đến 10 nghìn đồng/cây. Đầu tư từ 4 đến 6 triệu đồng, cá biệt có hộ lên tới gần chục triệu đồng cho cây giống chưa kể đến các chi phí khác là nguồn đầu tư không nhỏ đối với đồng bào trong khi chưa hề có đơn vị, doanh nghiệp nào ký kết tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân. Ông Đỗ Đình Giao – Chủ tịch UBND xã Sín Chéng cho biết: hiện xã đang tiến hành thống kê cụ thể diện tích, chỉ đạo các thôn bản vận động bà con tạm thời không mở rộng trồng cây sa nhân tím. Còn về thị trường tiêu thụ, địa phương cũng không có cách nào khác là kiến nghị tỉnh, huyện giúp đỡ, về phía xã cũng chỉ có thể đứng ra thành lập được hợp tác xã để liên hệ, kết nối các hộ sản xuất với nhau.

 Sa nhân tím phát triển tốt, hợp với đất đai, khí hậu tại xã Sín Chéng - huyện Si Ma Cai. (Ảnh minh họa)

Được biết, không những Sín Chéng mà rất nhiều xã trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã và đang đưa cây sa nhân tím vào trồng. Và tại Sín Chéng thì bên cạnh các hộ tự phát trồng thì địa phương còn triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo 1 phần về cây giống để trồng sa nhân tím.

Sa nhân tím cũng như các loại cây dược liệu khác có đặc thù riêng, bên cạnh kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái thì khâu tiêu thụ được xem là yếu tố bắt buộc phải tính đến trước khi quyết định phát triển vùng nguyên liệu. Tại thời điểm này, việc tiêu thụ sa nhân tím đang thuận lợi là lý do chính khiến cho nhiều hộ đồng bào ở Sín Chéng – Si Ma Cai đưa vào trồng, nhưng thời điểm 3 năm sau mới cho thu hoạch thì rất có thể mọi sự đã khác. Chính vì vậy, tuyên truyền, định hướng đúng, thậm chí quản lý chặt, có quy hoạch rõ ràng vùng nguyên liệu gắn với chủ động tìm đầu mối tiêu thụ và bền vững nhất là liên kết với doanh nghiệp cần phải được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm vào cuộc ngay. Chỉ có như vậy mới hạn chế được nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra đối với bà con nông dân; để chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng loại bỏ được những hoài nghi, lo lắng từ chính người trong cuộc.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết