Cảnh báo sâu bệnh phát sinh gây hại cây chè

20:33 13-04-2023 | :1601

Laocaitv.vn - Hiện đang vào vụ thu hái lứa chè xuân. Tuy nhiên, trên nhiều nương chè, xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại đã đến ngưỡng phải phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng thuốc để vừa xử lý sâu bệnh gây hại, vừa đảm bảo yêu cầu về thời gian cách ly an toàn khi chè đang kỳ thu hái.

Sâu keo bọc phát sinh gây hại cây chè. 

Loại sâu có tên "sâu keo bọc" – một trong nhiều đối tượng gây hại cây chè trong giai đoạn cho búp xuất hiện nhiều trên nương chè của bà Hoàng Thị Quy. Màu sắc rất giống với cành chè. Sâu keo bọc thường bám vào thân cây, ăn hết phần lá non, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và sản lượng chè búp. Vì loại sâu này được bọc trong lớp vỏ dày nên viêc phun thuốc phòng trừ cũng rất khó khăn. "Bây giờ không có cách nào xử lý, chỉ phun thuốc trừ sâu để hạn chế. Vì đang là thời kỳ phát triển búp thì không xử lý triệt để được", bà Hoàng Thị Quy, thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương cho biết.

Ngoài ra, ở nhiều nương chè, rầy xanh cũng đã phát sinh gây hại. Rầy xanh trích hút búp chè, nếu mật độ rầy cao sẽ làm cháy búp chè. Rất khó quan sát thấy rầy xanh gây hại, chỉ khi tác động lên bề mặt luống chè, thì có nhiều rầy xanh bay ra.

Bà con nên áp dụng quy trình IPM để giảm sâu bệnh gây hại cho cây chè.

Để hạn chế sâu bệnh gây hại, ưu tiên hàng đầu người trồng chè cần áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Quy trình này đòi hỏi ngay từ ban đầu, bà con lựa chọn giống chè tốt, đảm bảo không có bệnh; thực hiện trồng, chăm sóc, bón phân, làm cỏ đúng kỹ thuật; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách, cân đối.

"Bà con nên áp dung quy trình IPM. Trồng cây trồng khỏe, áp dụng các biện pháp canh tác như: tỉa gốc, bón phân, đốn tỉa đúng quy trình kỹ thuật để cây trồng phát triển. Khi cây phát triển khỏe mạnh thì sâu bệnh cũng giảm đáng kể", kỹ sư Đỗ Thị Thái Hà, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lào Cai khuyến cáo.

Trong quá trình canh tác, nếu sâu bệnh phát sinh, nông dân cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học, thảo dược và quan trọng nhất là cần tuân thủ thời gian cách ly an toàn. Các điều kiện cần thiết này sẽ giúp sản phẩm chè đảm bảo an toàn, có thị trường ổn định trong nước và quốc tế.

Ngọc Hà – Nông Quý

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết