Bà con cần cảnh giác với sâu bệnh gây hại cây chè

16:55 27-06-2020 | :2878

Laocaitv.vn - Cây chè đang trong giai đoạn cho búp nhiều nhất trong năm. Tuy nhiên, trên nhiều nương chè, một số đối tượng sâu bệnh gây hại đang làm ảnh hưởng đến chất lượng vùng chè. Khi phải xử lý sâu bệnh gây hại trong thời gian cho búp thì yêu cầu về cách ly an toàn trước khi thu hái là điều cần thiết.

Sâu keo bọc gây hại cây chè.

Sâu keo bọc là một trong nhiều đối tượng gây hại cây chè trong giai đoạn cho búp gặp nhiều khó khăn trong việc diệt trừ. Có nhiều năm gắn bó với cây chè, nhưng năm nay, bà Hoàng Thị Quy, thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai nhận thấy giai đoạn thu hoạch búp sâu xuất hiện nhiều hơn đầu vụ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thu mua chè búp có giảm, khi giá thu mua ổn định ở mức 6 nghìn đồng/kg chè búp tươi như hiện nay thì sâu bệnh lại gây hại, phần nào ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và sản lượng cây chè. Bà Quy cho biết: “Bây giờ không có cách nào xử lý, chỉ phun thuốc trừ sâu để hạn chế, vì cây chè đang là thời kỳ phát triển búp không xử lý triệt để được”.

Bà con nên áp dụng quy trình IPM để giảm sâu bệnh gây hại cho cây chè.

Có rất nhiều đối tượng gây hại cây chè trong giai đoạn cho búp, nhưng sâu hại chính trên cây chè là rầy xanh, một số loại bọ, rệp và sâu. Bệnh hại trên cây chè là bệnh thối búp, đốm nâu, phồng lá chè, sùi cành chè, bệnh chấm xám, tóc đen.... Để hạn chế sâu bệnh gây hại thì ưu tiên hàng đầu là áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Kỹ sư Đỗ Thị Thái Hà, Phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết: “Để cây chè khỏe mạnh, bà con nên áp dung quy trình IPM. Đồng thời, bà con áp dụng các biện pháp canh tác, như ủ gốc, bón phân, đốn tỉa đúng quy trình kỹ thuật thì cây sẽ phát triển tốt. Khi cây phát triển khỏe mạnh thì sâu bệnh cũng sẽ giảm đáng kể. Sâu bệnh phát hiện ở đâu thì bà con xử lý tại đó”.

Khi phát hiện sâu bệnh bà con xử lý kịp thời để tránh lây lan sang các cây chưa bị bệnh.

Lào Cai hiện có hơn 6.200 ha chè. Trong những năm qua, khi thực hiện dự án canh tác chè an toàn, các địa phương đã chứng nhận diện tích chè nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ được 1.791 ha. Trong thời gian tới, Lào Cai giữ ổn định vùng nguyên liệu 7.500 ha đến năm 2025 và tập trung đầu tư thâm canh 5.000 ha chè kinh doanh theo hướng sản xuất an toàn. Theo đó, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, sản lượng chè ổn định trên 10 tấn/ha/năm; đầu tư nâng cấp các nhà máy, mở rộng công suất xưởng chế biến đến năm 2025 đạt 250 tấn chè búp tươi/ngày; chế biến sản phẩm chè chất lượng cao, có giá trị, tạo thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế./.

Ngọc Hà – Đức Tính


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết