Chung tay đẩy lùi nạn mua bán người

19:36 30-07-2023 | :384

Laocaitv.vn - Mặc dù đã được kéo giảm, tuy nhiên, vấn nạn buôn bán người vẫn diễn biến phức tạp, để lại nhiều nỗi đau trong mỗi gia đình và những hệ lụy lâu dài về mặt xã hội. Vậy nên tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh cho người dân; đồng thời huy động nguồn lực tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng đang được quan tâm.

Con gái bà Ma Thị Mống là nạn nhân của nạn mua bán người. 

9 năm trước, cũng tại phiên chợ này, con gái bà Ma Thị Mống đã trở thành nạn nhân. Nhiều năm đi tìm, mong mỏi chờ thông tin của con, song vẫn bặt vô âm tín. Mỗi lần chợ phiên, người mẹ này chỉ biết mang nông sản xuống bán, nuôi hi vọng con sẽ trở về. Bà Ma Thị Mống, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà cho biết: "Năm đó, con gái tôi mới 14 tuổi, nó đi theo sau tôi mà quay lại thì con đã bị bắt mất rồi. Đi tìm thì người dân bảo thấy đi với người lạ không biết ai. Buồn lắm, giờ già rồi mà cũng không biết con ở đâu, còn sống hay đã chết".

Con gái bà Mống chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân của nạn mua bán người. Từ năm 2010 đến nay, với sự hỗ trợ toàn diện của tổ chức “Vòng tay Thái Bình” 320 nạn nhân bị buôn bán trở về tại “Nhà nhân ái” tỉnh đã được học nghề, hỗ trợ việc làm, giúp các nạn nhân dần vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Bà Lương Hồng Loan, Giám đốc Chương trình Vòng tay nhân ái Thái Bình cho biết: "Chúng tôi hỗ trợ ăn ở, định hướng nghề, hỗ trợ nghề, mỗi tuần chúng tôi tổ chức các buổi kỹ năng, cập nhật các thủ đoạn để các em không bị tái mua bán trở lại".

Các nạn nhân trở về được hỗ trợ học nghề, việc làm, giúp các nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Với nhiều thủ đoạn như: hứa hẹn việc làm tốt, thu nhập cao, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi… nhiều phụ nữ, các cô gái trẻ vô tình trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người. Để giảm thiểu tình trạng này, việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đang được chú trọng. Chị Lý Thị Lai, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà cho biết: "Được tuyên truyền, đọc báo, xem ti vi nhiều thì mình cũng biết hậu quả của mua bán người. Mình cũng dặn các con phải cẩn trọng, không được tin hay đi theo người lạ".

Ông Nguyễn Tường Long, Trưởng Ban Quản lý Dự án Phòng, chống mua bán người, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: "Sở phối hợp chặt chẽ với cơ quan, ban, ngành, đồn biên phòng, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số biên giới, đặc biệt là trẻ em ở trường phổ thông biết âm mưu, thủ đoạn để nâng cao cảnh giác, không rơi vào cạm bẫy của mua bán người".

Theo thống kê, giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm, toàn tỉnh có hàng trăm nạn nhân của tội phạm mua bán người. Với nhiều nỗ lực, tỷ lệ này đang được kéo giảm song vẫn đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối về mặt xã hội. Vậy nên, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, thì mỗi người cần hiểu biết, có kỹ năng, tránh xa những cám dỗ, cạm bẫy, bảo vệ an toàn cho bản thân./.

       Vân Anh – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết