Laocaitv.vn - Nhằm hướng tới mục tiêu chủ động nguồn cây giống chất lượng cao, để mở rộng diện tích cây ăn quả ôn đới, đặc biệt là loại cây mận Tả Van, dến nay, xã Lùng Sui đã thành công bước đầu trong việc tự nhân giống cây mận Tả Van với chất lượng tốt, giúp bảo tồn nguồn gen quý, đồng thời, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy Si Ma Cai về việc phát triển mở rộng cây ăn quả ôn đới nhằm khai thác và phát huy tiềm năng cây ăn quả đặc sản, tạo sản phẩm hàng hoá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, công tác tuyển chọn và nhân giống cây mận Tả Van từ các cây giống đầu dòng có phẩm chất tốt, năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng luôn được xã Lùng Sui đặc biệt chú trọng.
Xã đã quy hoạch thành vùng cây ăn quả ôn đới trong đó quy hoạch cây mận Tả Van là cây trồng chủ đạo. Đến nay, theo thống kê toàn xã có tổng số 33ha cây Mận Tả Van, theo lộ trình kế hoạch từ nay đến năm 2020, xã sẽ mở rộng diện tích này lên 73ha. Để thực hiện được kế hoạch đó, xã phải cần tới khoảng hơn 30.000 cây mận giống. Việc nhân giống thông thường có nhiều cách như: trồng hạt tỷ lệ nảy mầm thấp, thời gian trồng đến khi được thu hoạch sẽ rất là dài, biện pháp chiết cành, ghép cành thì thời gian thực hiện nhanh nhưng cây lại dẫn đến dễ bị thoái hóa, biến chất, giảm năng suất, chất lượng quả, thời gian được thu hoạch.
Anh Cư Seo Chứ (ngoài cùng bên trái) cùng các cán bộ kỹ thuật viên khác của xã hướng dẫn cách nhân giống cây mận Tả Van. (Ảnh: Mạnh Linh)
Trước những khó khăn trên, năm 2016 anh Cư Seo Chứ, thôn Lùng Sán, xã Lùng Sui đã thử nghiệm và nhân giống thành công bằng phương pháp nhân cây giống từ rễ cây mận mẹ. Đó là việc chọn cây giống mẹ khỏe mạnh, quả to ngon, không bị sâu bệnh. Cây có tuổi đời từ 4-5 tuổi. Sau đó đào đất chặt đứt rễ, sau vài tháng những rễ cây này sẽ phát triển thành cây con và đánh ra để trồng. Tuy nhiên, biện pháp này hạn chế về số lượng cây con. Trước thực tế đó, anh đã thử nghiệm đào lấy rễ cây và chặt thành từng đoạn, sau đó đem giâm vào đất ẩm. Sau thời gian khoảng 6 tháng, từ các đoạn rễ này sẽ phát triển thành cây. Với cách thức này, anh đã nhân được 1.500 cây mận giống để hỗ trợ đoàn thanh niên huyện trồng tại xã Quan Thần Sán. Anh cho biết cách thức này không khó bà con có thể học tập và làm theo.
Để sản xuất cây giống chất lượng cao, xã Lùng Sui đã tuyển chọn nhân giống từ những cây bố mẹ có năng suất cao, cây khỏe. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lùng Sui Hảng Seo Toán cho biết: "Trung bình từ một cây mận mẹ to khỏe có tuổi đời từ 4-5 năm có thể dùng rễ nhân khoảng 2.000 cây giống. Hiện nay, chúng tôi đang chủ động tổ chức nhân giống tập trung cung cấp cho nhu cầu của nhân dân trong xã và các xã lân cận".
Rễ cây mận được chặt thành từng đoạn sau đó đem giâm vào đất ẩm trong thời gian 6 tháng. (Ảnh: Mạnh Linh)
Thời điểm hiện nay, giống cây mận Tả Van đang bán ra thị trường trong huyện cũng có giá 70-80 nghìn đồng/cây đối với cây chăm sóc thời gian từ 7-8 tháng, đối với cây 4-6 tháng giá chỉ bán được khoảng 25-30 nghìn đồng/cây. Do đó, việc chủ động sản xuất được cây giống không chỉ giúp cho xã chủ động được nguồn cây giống chất lượng, mà còn mang lại nguồn thu nhập cho các hộ sản xuất cây giống. Với chất lượng quả thơm, ngon, mận Tả Van hiện đang được thị trường ưa chuộng với giá bán rất cao từ 50 đến hơn 100 nghìn đồng/kg (vụ mận năm 2017). Cây mận Tả Van hiện đang là cây trồng triển vọng mang lại giá trị kinh tế cao của địa phương.
Hy vọng tương lai không xa, xã Lùng Sui sẽ trở thành vùng chuyên canh sản xuất cây giống và vùng trồng cây ăn quả ôn đới cho hiệu quả kinh tế cao, vừa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, vừa giúp người dân cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Mạnh Linh
Đài TT-TH Si Ma Cai
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết