Còn nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm

15:40 28-06-2018 | :1520

Laocaitv.vn - Theo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn Giám sát Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai về việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Lào Cai 2 năm 2016 và 2017, bên cạnh kết quả đạt được, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Trong 2 năm qua, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm đã được các cấp, ngành quan tâm, triển khai thực hiện đạt được kết quả khá tích cực. Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật được thực hiện cụ thể, thiết thực. UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức triển khai thực hiện công tác dạy nghề và giải quyết việc làm đạt được kết quả quan trọng, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản đã chuyển dạy nghề từ đào tạo theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và xã hội; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 43,1% năm 2015 lên 47,7% năm 2017.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở Lào Cai tăng từ 43,1% năm 2015 lên 47,7% năm 2017

Tuy nhiên, theo đánh giá, trong quá trình triển khai thực hiện công tác dạy nghề và giải quyết việc làm còn một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể: Văn bản quy phạm chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ; một số ngành nghề mới chưa có chương trình, giáo trình, một số bộ giáo trình đào tạo chưa được biên soạn lại theo quy định mới của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Quy mô mạng lưới, cơ cấu đội ngũ giáo viên ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa phù hợp, cơ bản Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thiếu giáo viên dạy nghề, thừa giáo viên dạy văn hóa; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; cơ cấu trình độ đào tạo nghề chủ yếu tập trung ở trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ cao, lên tới 79% trong khi trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 21%; 21/40 mã ngành tại Trường Cao đẳng nghề Lào Cai không tuyển sinh được; trang thiết bị dạy nghề ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu đồng bộ, một số trang thiết bị không còn phù hợp.

Cùng với đó, công tác dự báo, điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo gắn với việc làm chưa sát với thực tế; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động còn bất cập; vai trò kết nối giữa cơ sở đào tạo nghề với cơ sở sử dụng lao động chưa thực sự hiệu quả; định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT chưa đáp ứng yêu cầu.

Tiến Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết