Để rừng mãi thêm xanh

20:20 04-05-2023 | :260

Laocaitv.vn - Tỷ lệ tán che phủ rừng của Lào Cai đạt 57,7%, cao hơn khá nhiều so với bình quân chung cả nước (42,02%). Đây là minh chứng cho những giải pháp đúng và trúng của địa phương trong phát triển rừng bền vững. Không chỉ bảo vệ môi trường, từ trồng rừng, giữ rừng, nông dân có nhiều nguồn thu, hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế rừng bền vững.

 

 

Gần 150 ha rừng, trong đó 80% diện tích là cây quế từ 5 đến 8 năm tuổi, ông Trần Văn Hải ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng là cá nhân có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh. Giữa khu rừng bạt ngàn, ông đang kiến thiết một số ao cá lớn, tạo cảnh quan để tới đây sẽ phát triển du lịch trải nghiệm. Ông Hải cho biết: "150 ha chúng tôi đã phủ kín, còn hơn 200 ha chúng tôi đã bảo vệ. Gia đình tôi cũng định hướng sau này phát triển trang trại như trang trại du lịch, lấy ngắn nuôi dài". 

Trồng rừng, giữ rừng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mang lại thu nhập cho người dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng và kinh tế rừng, Lào Cai là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước thực hiện cắm mốc, phân định ranh giới 3 loại rừng trên thực địa. Sau phân định, các chủ rừng đã lựa chọn cây lâm nghiệp phù hợp cho từng vùng. Như vùng cao Lùng Phình, nhiều hộ chọn trồng cây thông để giữ đất.  

Đến thời điểm này, tán che phủ rừng của tỉnh đạt gần 57,7%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân 12%/năm. Các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm cả về diện tích và số vụ. Đây là một trong những thành công khi lực lượng kiểm lâm Lào Cai được kiện toàn và có sự hỗ trợ đắc lực từ cộng đồng.

Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: "Gắn công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng trên địa bàn cấp huyện vào một đầu mối quản lý chỉ đạo. Việc bảo vệ, phát triển rừng, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật được triển khai đồng bộ và cùng một đầu mối. Qua đó, chất lượng công tác bảo vệ rừng được nâng lên". 

Nhiều hộ dân ở vùng cao Lùng Phình chọn trồng cây thông để giữ đất.

Những đỉnh núi trơ trọi ngày nào giờ rừng đã lên xanh. Có rừng, có nước, đồng bào vùng cao dần vơi bớt khó khăn, để trong tương lai, người dân có thể sống và làm giàu được từ rừng, từ kinh tế lâm nghiệp. Đó là hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, để đến năm 2045 là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước.

Ngọc Hà - Ngọc Dương - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết