Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với tỉnh Lào Cai về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

14:03 24-09-2019 | :374

Laocaitv.vn - Sáng ngày 24/9, Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội do bà Lê Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Lào Cai về tình hình chấp hành chính sách pháp luật trong phòng, chống xâm hại trẻ em. 

Tham dự buổi làm việc có đại diện các bộ, ngành liên quan. Làm việc với Đoàn giám sát về phía tỉnh Lào Cai có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Phương Liên)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2015 - 2019, toàn tỉnh xảy ra 95 vụ/120 đối tượng/136 trẻ em bị xâm hại. Trẻ em bị xâm hại do bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán và các hình thức gây tổn hại khác. Đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân, giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục, thậm chí đối tượng là người có trách nhiệm chăm sóc chữa bệnh, người quen và các đối tượng khác. Hậu quả, số trẻ em tử vong do bị xâm hại là 8 em, 2 em bị thương tật, 2 em có thai do bị xâm hại tình dục và có tới 83 em bị các tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại… Tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh chủ yếu mang tính bột phát, đơn lẻ nhưng diễn biến phức tạp.

Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Phương Liên)

Những năm qua, UBND tỉnh đã Lào Cai đã chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn; chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em tại địa phương… Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là pháp luật về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống; khung hình phạt chưa đủ mức răn đe; công tác tuyên truyền đến nhân dân vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, buôn bán, bắt cóc trẻ em vì mục đích thương mại, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi chưa thực sự làm hết trách nhiệm, việc phối hợp giữa các ngành còn hạn chế. Điều đặc biệt là nhiều gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính trẻ em chưa chủ động thông tin, tố giác tội phạm. Tỉnh cũng kiến nghị với Đoàn giám sát Quốc hội một số vấn đề, trong đó có việc nghiên cứu, bổ sung các tình tiết tăng nặng tội danh bạo lực, xâm hại tình dục đối với trẻ em. Ưu tiên các dự án phát triển trẻ em cho Lào Cai do đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới nhiều khó khăn.

Thành viên Đoàn giám sát chỉ ra một số vấn đề mà tỉnh Lào Cai cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới. (Ảnh: Phương Liên)

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã làm rõ những vấn đề tỉnh Lào Cai cần quan tâm như: Số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bỏ học và trẻ lang thang; vấn đề xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh trong trường học; công tác tuyên truyền, các biện pháp can thiệp hỗ trợ, xét xử đối tượng phạm tôi; vấn đề quản lý trẻ em ở các điểm du lịch, trẻ bị ảnh hưởng từ môi trường mạng. Cần quan tâm đặc biệt đến trẻ em có hoàn cảnh mồ côi, sống trong gia đình ly hôn, ly thân, trẻ em có bố, mẹ đang chấp hành án hình sự, trẻ trong gia đình có người nghiện ma túy... Từ đó, đánh giá đúng tình hình để có biện pháp bảo vệ trẻ em được tốt hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Phương Liên)

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hưng khẳng định, tỉnh tiếp thu toàn bộ ý kiến đóng góp của Đoàn giám sát; xác định phòng chống xâm hại, bảo vệ trẻ em đã và đang là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm, triển khai đồng bộ cơ chế chính sách, nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ phát triển toàn diện.

Kết luận nội dung giám sát, đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của tỉnh Lào Cai có nhiều điểm tích cực từ chỉ đạo đến hành động của ngành chức năng và thực hiện quyền trẻ em; khi có vụ việc xảy ra, tỉnh chỉ đạo thực hiện khá kịp thời, nghiêm minh; có một số mô hình tốt trong phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt là một số vụ nghiêm trọng, gây bức xúc trong dự luận; đối tượng xâm hại và người bị xâm hại là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn. Bên cạnh đó, trẻ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ xâm hại vẫn còn cao. Chính vì vậy, cùng với thực hiện tốt chính sách pháp luật trong phòng, chống xâm hại trẻ em, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu tỉnh Lào Cai đánh giá đúng thực trạng, dự báo sát tình hình, từ đó triển khai các giải pháp phù hợp, hiệu quả về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới. Đoàn giám sát cũng ghi nhận những kiến nghị của Lào Cai và sẽ đề xuất Quốc hội, các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ.

Trước đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đã tiến hành khảo sát, nắm tình hình thực tế tại Trường Bán trú cấp 1 và Trường Bán trú cấp 2 thuộc xã Sa Pả, thị trấn Sa Pa và làm việc với UBND huyện Sa Pa xung quanh việc chấp hành chính sách, pháp luật trong phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phương Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết