Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Văn Bàn tích cực xây dựng sản phẩm OCOP

08:05 24-09-2023 | :460

Laocaitv.vn - Xây dựng sản phẩm OCOP dựa trên tiềm năng thế mạnh và những đặc sản của người dân bản địa đang được huyện Văn Bàn chú trọng. Hướng phát triển này không chỉ nâng cao giá trị, thu nhập cho đồng bào địa phương, mà còn góp phần quảng bá nét văn hóa bản địa đặc sắc tới người dân, du khách.

Sản phẩm bánh chưng đen đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Bánh chưng đen là thức quà truyền thống mang đậm nét văn hoá ẩm thực của đồng bào Tày Văn Bàn. Với sự năng động, khéo léo và tâm huyết của mình, chị Hoàng Thị Huế, thị trấn Khánh Yên đã đăng ký nhãn hiệu, hoàn thiện các điều kiện công nhận sản phẩm bánh chưng đen là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, bánh chưng đen Văn Bàn đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, được người tiêu dùng ưu chuộng. Chị Hoàng Thị Huế, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn cho biết: "Bánh mang hương vị đặc trưng của quê hương mình, nguyên liệu thì có thịt lợn đen bản địa, gạo nếp địa phương. Trong khi sản xuất phải giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, không có chất phụ gia".

Thoát nghèo từ trồng Nấm, anh Đặng Văn Bình, xã Liêm Phú áp dụng kỹ thuật mới vào trồng, chăm sóc, đưa cây nấm trở thành sản phẩm OCOP đầu tiên của địa phương với tên gọi Nấm Sò Bình Phú. Mỗi ngày, HTX Bình Phú cho ra thị trường khoảng 70 kg nấm thành phẩm, mang lại nguồn thu khoảng 250 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Đặng Văn Bình, Giám đốc HTX Bình Phú, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn cho biết: "Đã có thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP. Chúng tôi cũng cố gắng nghiên cứu mở rộng sản phẩm ngày càng chất lượng. Con người cũng phải nâng cao tư duy của mình để đem sản phẩm trao cho khách hàng".

Anh Bình trồng thành công sản phẩm Nấm Sò Bình Phú.

Huyện Văn Bàn hiện có 21 sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm 3 sao. Chủ thể của các sản phẩm hầu hết là bà con người Tày, Dao, Mông. Việc bà con tích cực tham gia xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP không chỉ nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, mà còn đưa nét văn hóa, đặc sản của đồng bào đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ông Hoàng Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn chia sẻ: "Hiện nay, huyện cũng đang tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban quan tâm tới việc giúp đỡ hồ sơ thành lập HTX, giúp bà con có ý tưởng xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP tạo điều kiện thuê đất hoặc phát triển xây dựng nhà máy chế biến, sản xuất sản phẩm tiềm năng thế mạnh tại địa phương".

Dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa phương, việc phát triển các sản phẩm OCOP tại Văn Bàn vừa nâng cao giá trị các sản phẩm bản địa, tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời tiếp sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết