Giữ nhịp trống nêm

22:55 28-08-2024 | :45

Laocaitv.vn - Trong đời sống văn hóa của người Dao đỏ, trống nêm là nhạc cụ không thể thiếu ngày lễ Tết, cưới hỏi, ma chay. Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề làm trống nêm, đồng bào người Dao đỏ ở xã Tả Phìn thị xã Sa Pa đã có những việc làm ý nghĩa nhằm bảo tồn di sản văn hóa độc đáo này.

 

Không khí tại nhà cộng đồng xã Tả Phìn hôm nay sôi nổi và hào hứng hơn mọi ngày. Hàng chục người dân và các bạn trẻ người Dao đỏ đang được tham gia lớp truyền dạy kỹ năng, phương pháp, quy trình làm trống nêm truyền thống. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, mọi người được trực tiếp tham gia vào các bước trong quy trình làm trống nêm như: chuẩn bị da, vót nêm, sơ chế dây mây, làm dùi trống... ngoài ra, các bạn còn được các nghệ nhân chia sẻ về những câu chuyện cũng như ý nghĩa của trống nêm trong đời sống văn hóa của người Dao đỏ.

Người dân và các bạn trẻ người Dao đỏ tham gia lớp truyền dạy quy trình làm trống nêm truyền thống.

Em Phàn Tả Mẩy, thôn Lủ Khấu, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Lúc đầu làm thì thấy hơi khó, sau đó thì mọi người quen rồi thì thấy vui. Em muốn học làm trống để hiểu hơn và gìn giữ truyền thống của dân tộc mình”.

Em Chảo Láo Tả, thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ: “Nghề làm trống đã có từ lâu đời, hôm nay được tham gia lớp học chúng cháu biết thêm được rất nhiều điều. Cháu thấy là mình phải có ý thức gìn giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc chúng ta”.

Với đồng bào người Dao đỏ ở Tả Phìn, những chiếc trống nêm đã xuất hiện trong đời sống sinh hoạt từ bao đời nay. Tuy nhiên, số người biết làm trống nêm hiện nay còn rất ít, chủ yếu là các nghệ nhân tuổi đã cao, do vậy nghề truyền thống này đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực tế đó, việc tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ như thế này là việc làm cấp thiết, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao đỏ từ bao đời nay.

Trống nêm đã xuất hiện trong đời sống sinh hoạt từ bao đời nay.

Nghệ nhân Nhân dân Tẩn Vần Siệu, thôn Tả Chải, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết: “Phải mở lớp này để truyền dạy cho thanh thiếu niên để biết được trống này phải có với người Dao. Truyền lại cho các trò để biết làm cái trống, để giữ mãi, không bị mai một nghề làm trống này”.

Việc bảo tồn nghề truyền thống của người Dao trong đó có nghề làm trống nêm là hoạt động thiết thực, ý nghĩa cần duy trì và thực hiện thường xuyên. Hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong việc gìn giữ giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc cũng như quảng bá hình ảnh, phong tục tập quán của cộng đồng người Dao đỏ, tạo ra sức hút với du khách khi đến với thị xã Sa Pa.

Thanh Tùng - Nguyễn Huệ 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết