Hướng đi mới cho giống vật nuôi cũ

07:50 30-04-2023 | :356

Laocaitv.vn - Tại các xã vùng cao Lào Cai, người dân đang phát triển đàn lợn đen bản địa. Đây là giống lợn quý, cho chất lượng thịt thơm ngon. Lợn đen vốn là vật nuôi truyền thống, nhưng khi nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật, có kết nối thị trường tiêu thụ đã nâng cao giá trị và thu nhập từ giống vật nuôi vốn rất quen thuộc với bà con nông dân vùng cao.

Có gần 100 con lợn đen, anh Lý Văn Vảng ở thôn Tà Chải, xã Nậm Pung, huyện Bát Xát xác định nuôi lợn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Thức ăn cho lợn là rau xanh, ngô hạt và cám gạo. Tất cả các nguyên liệu này đều do gia đình tự sản xuất. Ngoài 2 bữa ăn chính, đàn lợn được nuôi thả trong diện tích khoảng 1 ha. Cách chăm sóc này vừa quản lý được đàn, vừa giữ được chất lượng thịt lợn thương phẩm. “Nuôi nhỏ lẻ thấy có hiệu quả nên từ năm 2020 trở về đây tôi vay vốn nuôi số lượng lợn nhiều. Lợn đen bản địa hiện nay khắp nơi có nhu cầu cao nên đầu ra không khó khăn, giá cả cũng hợp lý. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng trang trại chăn nuôi”, anh Vảng cho biết thêm.

 

Nhận thấy nuôi lợn đen có hiệu quả, anh Vảng đã mạnh dạn vay vốn mở rộng chăn nuôi.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, một số hộ chăn nuôi buộc phải tiêu hủy, nhưng trên toàn tỉnh, tổng đàn lợn đen vẫn duy trì và phát triển ổn định. Phần lớn các hộ đều nuôi theo cách truyền thống. Lợn đạt trọng lượng từ 20 - 25kg, thời gian nuôi khoảng 1 năm, có giá bán cao nhất lên đến 120.000 đồng/kg lợn hơi. Đây là lý do khiến nhiều hộ vẫn chọn nuôi lợn đen bản địa để phát triển kinh tế gia đình. 

Chị Ly Thị Đương, thôn Lùng Khấu Nhin, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương cho biết: “Nuôi lợn đen giờ đã có cán bộ hướng dẫn, không còn lo bị dịch bệnh nữa. Lợn lớn nhanh hơn mà cũng nuôi được nhiều; cứ cho ăn cám, rau tự nấu lợn vẫn lớn. Thương lái cũng đến tận nơi bắt lợn, không phải lo gì cả”.

Tại các xã vùng cao Lào Cai, người dân đang phát triển đàn lợn đen bản địa.

Phát triển đàn lợn, trong đó có lợn đen bản địa, là một trong 6 mục tiêu của chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai. Phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn đạt 600.000 con, giá trị đạt 2.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 40% giá trị mang lại từ đàn lợn đen. 

Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết thêm: “Chúng tôi đang chuyển từ mô hình hỗ trợ sang kết nối khuyến nông. Đối với mô hình chăn nuôi lợn dựa vào cộng đồng sẽ tiếp tục có những kết nối về liên kết thị trường, về kỹ thuật, về xúc tiến đầu ra và xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với các hộ chăn nuôi trên địa bàn”. 

Lào Cai sẽ xây dựng một cơ sở chăn nuôi lợn nái tập trung nhằm đảm bảo chất lượng con giống; khuyến khích thành lập các tổ nhóm chăn nuôi tập trung; thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường; hỗ trợ con giống cho hộ nghèo... Cách làm này đang mở ra cơ hội làm giàu bền vững cho hàng nghìn hộ dân vùng cao khi phát triển và nâng cao giá trị của lợn đen bản địa. 

Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết