"Khi đã có cần câu”

20:33 22-07-2023 | :59

Laocaitv.vn - Sau khi học nghề, người lao động sẽ thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm, hiệu suất lao động của họ cũng cao hơn. Bởi vậy, công tác đào tạo nghề được coi là đã trang bị cho người lao động những chiếc "cần câu". Giải pháp này đang được các ngành, các địa phương đẩy mạnh triển khai nhằm đảm bảo tính bền vững trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.

 

Làm thợ nề 6 năm nay, anh Cư A Sùng ở thôn Sín Chải, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai còn thành lập tổ nhóm, nhận thi công không ít công trình cho các gia đình quanh vùng. Song, từ khi tham gia lớp xây dựng được mở ngay tại thôn, anh Sùng mới nắm bắt và thực hiện được một số kỹ thuật mới trong nghề.

Anh Cư A Sùng cho biết: "Qua lớp đào tạo, đội chúng tôi có kỹ năng hơn về bắt góc, kỹ năng soi mặt chuẩn chỉ cũng phần nào nắm được, có thể tự đọc được một số bản vẽ cơ bản và một số thứ liên quan đến đảm bảo an toàn lao động".

Không chỉ học để biết, để làm nghề tốt hơn và có thu nhập cao hơn, nhiều lao động còn nhận thức rõ tấm chứng chỉ nghề là điều kiện quan trọng giúp họ thuận lợi hơn khi bước vào thị trường lao động. 

Anh Giàng Seo Phà, Trưởng thôn Bản Kha, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai cho biết: "Quan trọng nhất là bà con học để biết nghề, tự xây được các công trình nhỏ của gia đình. Thứ hai là có lợi cho bà con khi đi làm ở các công ty, có chứng chỉ sẽ dễ xin việc hơn là không có chứng chỉ".

Anh Cư A Hoàng ở thôn Sín Chải cũng cho biết: "Chứng chỉ này có cả tiếng Anh và tiếng Việt, lợi thế cho mình đi làm ăn. Giả sử như đi các nước mình cũng làm được". 

Chứng chỉ nghề là điều kiện quan trọng giúp người dân vùng cao thuận lợi hơn khi bước vào thị trường lao động.

Cùng với các nghề phi nông nghiệp, việc chủ động tổ chức các lớp nghề nông nghiệp đã giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả và giá trị trong sản xuất. Trường hợp của anh Giàng Seo Dùng ở thôn Phìn Chư, xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai là một ví dụ. Anh Giàng Seo Dùng chia sẻ: "Sau khi đi học, chúng tôi đã biết cách chọn lọc giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ và chẩn đoán điều trị một số bệnh thường gặp ở đại gia súc nên đã đỡ hơn ngày xưa. Ngoài việc đấy, chúng tôi cũng trồng thêm cỏ voi. Từ khi chăn nuôi như vậy, bình quân tôi cũng thu được khoảng 50 đến 60 triệu đồng/năm". 

Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp giúp nông dân nâng cao hiệu quả và giá trị trong sản xuất. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ sở giáo dục nghề trong tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được khoảng 29.000 người, đạt 50% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra. Trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 29%. Quan trọng nhất là việc đào tạo nghề đã giúp nhiều lao động có được việc làm ổn định và thu nhập cao hơn trước.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết