Khóa bánh xe ô tô đỗ sai quy định ở khu đô thị, chung cư có đúng pháp luật?

08:48 05-04-2023 | :2174

Laocaitv.vn - Theo luật sư, việc đỗ xe không đúng vị trí có thể bị coi là hành vi lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung của khu chung cư, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở 2014, cho nên việc áp dụng hình thức xử lý là "khóa bánh xe" là đúng quy định của pháp luật.

Vụ tài xế taxi công nghệ cố tình đâm xe vào bảo vệ một khu chung cư tại Hà Nội dẫn đến tử vong những ngày gần đây đang làm “nóng” các diễn đàn trên mạng xã hội. Vụ việc đã để lại hậu quả đau lòng là 1 người thiệt mạng.

Lâu nay, việc sử dụng chỗ đỗ xe và một số diện tích chung tại các khu chung cư, đô thị luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Làm thế nào để hạn chế thấp nhất những xung đột nảy sinh?

Ý kiến trái chiều về việc khóa bánh xe ô tô đỗ sai quy định

Có tiền mua nhà đã rất khó khăn nhưng tìm một chỗ đỗ xe gần nhà lại là vấn đề không đơn giản với nhiều gia đình, khi tòa nhà chung cư nơi họ mua đã lấp đầy chỗ trống. Tình trạng này kéo dài dẫn đến những xung đột giữa nhóm cư dân với nhau và giữa cư dân với bảo vệ. Nhiều cư dân sống ở các khu đô thị cho rằng, mỗi khi bị khóa bánh xe, họ mất khá nhiều thời gian để liên hệ bảo vệ, trình bày lý do, viết giấy cam kết, photo giấy tờ xe, nộp lệ phí theo quy định.

Đỗ sai quy định, xe của cư dân bị khóa bánh.

Ông Phan Văn Mỹ, cư dân của một khu đô thị tại huyện Gia Lâm cho biết, hơn 1 năm chuyển từ khu đô thị tại địa bàn quận Long Biên về đây, ông 4 lần bị khóa bánh xe. Lần đầu tiên vi phạm ông được nhắc nhở, nhưng những lần sau, ông được yêu cầu làm việc với an ninh khu đô thị, đóng tiền phạt đỗ xe sai quy định với mức 200.000 đồng.

Theo chia sẻ của ông Mỹ, lý do ông bị khóa bánh xe, do đây là căn hộ ông đi thuê nên hầm để xe không còn chỗ. Cùng với đó là đặc thù công việc, hay đi làm về muộn nên những slot để xe dưới đường không còn chỗ, ông cũng “đành liều” tìm chỗ nào trống thì “điền” xe vào.

Nhiều cư dân sinh sống tại các khu đô thi lớn cho rằng, việc khóa bánh xe, nếu xe đó đỗ không đúng nơi quy định là cần thiết nhưng quan trọng hơn là chủ đầu tư cần bố trí những bãi đỗ xe gần nơi cư dân ở để họ tiện đi lại.

Là một người hay đi giao hàng trong các khu đô thị, chị Lê Thu Nga, một cư dân khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, việc khoá bánh xe đỗ sai quy định cũng là một việc cần thiết để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Qua đó, giúp cho khu cư dân văn minh, an toàn, đẹp và thân thiện hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những bất cập.

“Đỗ sai quy định sẽ bị khoá bánh nhưng cấm như vậy phải có chỗ để xe cho cư dân. Nhiều khi khách đến chơi tìm nhiều vòng không có chỗ để. Vậy để đúng nơi quy định là để chỗ nào?” - chị Nga đặt câu hỏi.

Chị Vũ Thị Liên, một người dân tại khu đô thị trên địa bàn quận Hoàng Mai bày tỏ, việc đỗ xe sai quy định ảnh hưởng đến văn minh, trật tự của những cư dân đang sinh sống ở đó, ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Vì vậy, nếu người nào biết rõ quy định mà vẫn cố tình vi phạm thì cần thiết phải xử phạt. Hình thức xử phạt cần phải có sự thông qua của cư dân, BQL chung cư.

Xe bị khóa bánh nhận được thông báo nộp phạt.

Tại nhiều khu đô thị, các biển chỉ dẫn việc đỗ xe sai quy định được để ở những nơi dễ quan sát. Trong đó, nội dung ghi rất rõ ràng “các xe vi phạm đều bị khóa bánh”.

Chẳng hạn, phí bồi hoàn cho cư dân khi để xe sai quy định đối với xe ô tô là 200.000đ từ 6h sáng đến 12h đêm, 300.000đ từ 12h đêm đến 6h sáng. Những điểm không được đỗ xe đều nằm ở những vị trí đường giao nhau, chỗ đông cư dân đi lại.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật phân tích, thực tế hiện nay, nhiều chung cư, khu đô thị thiếu diện tích đỗ xe, gây nên tình trạng đỗ xe tràn lan, có dấu hiệu lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chắn lối ra vào trước cửa nhà người dân…

Một trong những biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm gây nhiều tranh cãi hiện nay là khóa bánh xe. Việc người dân đỗ xe không đúng quy định trong khu đô thị, chung cư có thể chỉ là lựa chọn tình thế, trong trường hợp cấp bách. Ngược lại, cũng có nhiều tài xế dẫu biết vị trí không được đỗ nhưng vẫn cố tình thì đây là hành vi đáng lên án.

2 trường hợp pháp luật quy định về đường nội bộ trong khu chung cư

Trên phương diện pháp lý, theo luật sư Bình có 2 trường hợp pháp luật quy định về đường nội bộ trong khu chung cư.

Trong đó, khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở 2014 quy định: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụ thể ở đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó.

Tuy nhiên, nếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt thì đây không được xem như phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Như vậy, trong trường hợp này, nếu đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, Ban Quản lý tòa chung cư có quyền thay mặt các chủ sở hữu thực hiện việc quản lý theo Quy chế quản lý Nhà Chung cư mà Bộ Xây dựng đã hướng dẫn trong Thông tư 02/2016/TT - BXD. Do đó, họ hoàn toàn có quyền đặt ra các yêu cầu nội bộ, các vị trí cấm dừng/đỗ xe và hình thức xử phạt với các phương tiện vi phạm.

Việc đỗ xe không đúng vị trí có thể bị coi là hành vi lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung của khu chung cư, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở 2014, cho nên việc áp dụng hình thức xử lý là "khóa bánh xe" là đúng quy định của pháp luật.

Các khu đô thị đều có bảng quy định đỗ xe

Trường hợp thứ hai, nếu đường nội bộ là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho Chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt, thì đường nội bộ không được coi là phần sở hữu chung của nhà chung cư. Từ đó, việc sử dụng đường nội bộ thực hiện theo quy định trong hồ sơ dự án được cấp phép hoặc văn bản của cơ quan quản lý nhà nước.

Đối với những phương tiện vi phạm, hành động bảo vệ khóa bánh xe là trái pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu đối với chủ phương tiện. Việc xem xét, xử lý hành vi vi phạm trong trường hợp này thuộc về chính quyền địa phương. Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế có rất nhiều vấn đề phát sinh xung quanh chuyện đỗ xe trong khu đô thị.

“Hiện nay, có tình trạng đơn vị quản lý khu đô thị tự ban hành quy định nội bộ, đưa ra một số quy định bất hợp lý hoặc xử phạt quá nặng đối với hành vi vi phạm, gây bất bình cho người dân. Hoặc có sự liên kết giữa một nhóm cá nhân trong việc chiếm hữu phần diện tích chung, mà khi có người đỗ xe vào khu vực đó, họ sẵn sàng áp dụng những biện pháp xử lý mà không căn cứ vào quy định nào. Điều này khiến xung đột, mâu thuẫn trở nên gay gắt, thậm chí để lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng, nặng nề, gây mất an ninh trật tự” - luật sư Bình phân tích.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật

Ở Nhật Bản, muốn mua xe phải chứng minh được có chỗ đỗ xe thường xuyên

Tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Hạ tầng - Trường Đại học Việt Nhật, nhận định, việc thiếu bãi gửi xe chung cư xuất phát từ hiện tượng "ô tô hóa" rất nhanh tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, trong 5 - 7 năm qua. Riêng tốc độ tăng ô tô tại Hà Nội đạt 10 - 20% mỗi năm.

Theo ông Bình, sau khi sở hữu ô tô, người dân bắt đầu xuất hiện nhu cầu về bãi gửi xe, nhưng chủ quan khi ký các hợp đồng mua chung cư: "Không phải chung cư nào cũng trang bị đủ hầm gửi xe cho cư dân, dẫn đến nhiều hệ lụy như đỗ tràn lan sai quy định, tạo điểm nghẽn gây ùn tắc", ông Bình nhấn mạnh.

Theo chuyên gia, mỗi chung cư có quy định, biện pháp khác nhau về việc đỗ xe. Trong đó, khóa bánh là biện pháp gây tranh cãi nhất thời gian gần đây, mà theo ông Bình đây không phải giải pháp hiệu quả, ngược lại, đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm.

Để giải quyết vấn đề, chuyên gia cho rằng, từng người dân cần đảm bảo có chỗ đỗ/gửi rồi hẵng tính đến việc mua xe.

Ông dẫn ví dụ tại Nhật Bản, nếu muốn mua xe, người dân phải chứng minh được mình có chỗ đỗ xe thường xuyên. Đó có thể là nơi đỗ tại nhà, hầm chung cư hoặc nếu không là hợp đồng thuê chỗ đỗ ở những bãi đỗ không cách nơi ở quá 2km. Giấy tờ này phải được cơ quan cảnh sát địa phương xác nhận.

Chuyên gia khuyến cáo, khách hàng không nên tin vào lời hứa của các chủ đầu tư, rằng: "Mỗi căn hộ có một slot đỗ xe", mà điều này cần thể hiện rõ ràng trên hợp đồng mua/bán chung cư.

"Nếu không tìm được chỗ gửi xe chung cư, người dân có thể mua/thuê lại từ cư dân khác với mức giá thỏa thuận", ông Bình nói.

Ngoài ra, theo chuyên gia, một số giải pháp khác cũng được quan tâm, như: xây dựng những bãi đỗ xe nổi, "giãn" cơ chế xây dựng bãi xe cho các chủ đầu tư tư nhân; phân bố các bãi gửi xe hợp lý trong phạm vi thành phố./.


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết