Kỉ niệm 45 năm thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai (1/11/1972 – 1/11/2017): Chặng đường nhiều dấu ấn

18:24 30-10-2017 | :472

Thấm thoắt thế mà đã 45 năm. Thời gian trôi nhanh quá. Trò chuyện cùng nhau, các văn nghệ sĩ trong Hội đều cùng chung cảm nhận ấy. Khi say sưa mải miết công việc thì thời gian trôi nhanh lắm. Khi gắng sức làm công việc gì đó để đạt kết quả, và rồi lại muốn đạt đến kết quả cao hơn, thì thời gian trôi vùn vụt.

Nhớ lại ngày ấy, vào một ngày cuối thu chớm sang đông, tỉnh Lào Cai có sự kiện đặc biệt: Đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Cơ quan Ty Giáo dục có 45 cán bộ, nhân viên, mà có bảy, tám người có thơ, có cả văn đăng báo. Ở các trường có thêm hàng chục người nữa ham mê sáng tác. Và thật vinh dự, có 5 ngưởi được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật ngay đợt đầu. Ngày mở Đại hội, mấy anh em đi dự trong niềm phấn khởi náo nức đến hồn nhiên trước con mắt có phần nể trọng, có cả chút thán phục của anh em trong cơ quan.

Hôm ấy, ngày 1/11/1972, Thị xã Lào Cai như rộn ràng hẳn lên bởi sự kiện mới mẻ và mang ý nghĩa đặc biệt. Các vị lãnh đạo tỉnh, đại biểu các ban ngành đến dự Đại hội. Đại biểu từ Trung ương vượt đường xa dặm thẳng lên với các văn nghệ sĩ Lào Cai. Đại hội thành công toàn vẹn trong niềm hân hoan phấn khởi. Đoàn văn công tỉnh tổ chức đêm diễn căng đầy các tiết mục, khán giả chật cứng rạp Kim Tân - Ngôi rạp lợp lá, ghế gỗ, nền đất – đêm diễn chào mừng Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh ra đời. Lào Cai đã có phong trào sáng tác văn học nghệ thuật sôi nổi từ trước đó. Từ khi Hội thành lập, phong trào càng sôi nổi và nhân rộng. Từ nhà máy cơ khí Phú Lợi, từ Mỏ A pa tít, các đoàn địa chất, từ đồng ruộng Quang Kim, từ các cơ quan, trường học, nhiều tác giả sáng tác từ trước đó hoặc mới xuất hiện, gửi tác phẩm về Tạp chí của Hội mang tên Hoàng Liên Sơn.

Thơ, truyện, ca khúc, kịch bản kịch nói, hoạt cảnh chèo, nhiếp ảnh, sáng tác về các phong trào sản xuất, tòng quân lên đường ra tiền tuyến, phong trào trồng cây gây rừng, phong trào thủy lợi, phong trào xây dựng đời sống mới. Các văn nghệ sĩ thực sự là các chiến sỹ bám sát cuộc sống, vừa phục vụ kịp thời, vừa có những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đạt giải thưởng trong các cuộc thi do các báo và các hội chuyên ngành Trung ương phát động. Từ những năm ấy đến nay, bao nhiêu sự kiện sôi động diễn ra trên vùng đất biên cương. Nhân dân các dân tộc Lào Cai đã cần cù và dũng cảm, bền bỉ và sáng tạo, gắn kết trong gian khó và lạc quan yêu đời, đã bảo vệ và xây dựng vùng đất biên cương đổi thay kì diệu như ngày hôm nay. Thực tiễn cuộc sống chiến đấu và dựng xây với bao gian khổ nhọc nhằn, gan góc kiên trung, vóc dáng con người cùng vóc dáng núi sông hùng vĩ, mạch nguồn và kho tàng văn hóa truyền thống của các dân tộc là nguồn đề tài khơi dậy nghĩ suy và nhân lên cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo tìm tòi và phát triển. Đến nay, Hội của chúng ta có đội ngũ lớn mạnh, vững vàng. Chúng ta hoạt động sôi nổi ở quê hương và có nhiều hội viên tiêu biểu tham gia vào nhiều hội chuyên ngành của Trung ương: Hội nhà văn, Hội Điện ảnh, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Mĩ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Văn nghệ dân gian…Chúng ta vừa phục vụ bà con các dân tộc quê hương, vừa đóng góp vào nền văn học nghệ thuật đương đại những tác phẩm tiêu biểu có sắc màu và phong vị được khẳng định.

Hội Văn học Nghệ thuật của chúng ta đã ghi dấu ấn vùng đất Lào Cai trên bản đồ văn học Nghệ thuật nước nhà với những đóng góp chung của các Hội viên chúng ta, với những hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Lào Cai, cùng những tên tuổi như Nhà văn Ma Văn Kháng với giải thưởng Hồ Chí Minh, Lò Ngân Sủn với Giải thưởng Nhà nước, Nghệ sĩ nhân dân Lương Kim Vĩnh, Nghệ sĩ ưu tú Xuân Mai, Nghệ sĩ ưu tú Minh Sơn, Nghệ sĩ ưu tú Thế Cải, cùng các nhà văn, nhà thơ: Bùi Nguyên Khiết, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Đoàn Hữu Nam, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân; kịch bản điện ảnh có Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Văn Cự, âm nhạc có Nhạc sĩ Phùng Chiến, Lê Trọng Hùng; sưu tầm nghiên cứu Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giàng Seo Gà, Vàng Thung Chúng; lí luận phê bình Nguyễn Văn Tông; hội họa có Đỗ Chung, Nguyễn Thị Lượng, Nguyễn Hoàn Thiện; nhiếp ảnh có Ngọc Dương, Phạm Gia Chiến, Phạm Ngọc Bằng, Nguyễn Thành Long… cùng nhiều hội viên tiêu biểu trong các chuyên ngành. Lớp văn nghệ sĩ cao tuổi vẫn tiếp tục sáng tạo tác phẩm. Lớp trung trung tuổi đang sung sức, lớp trẻ đang dồi dào hứa hẹn. Những lớp bồi dưỡng mới mở đã và sẽ nảy nở sức sáng tạo mới. Hi vọng chúng ta sẽ tiếp tục có người đạt giải Nhà nước về văn học Nghệ thuật, sẽ có giải Asean và mong ước có giải cao hơn nữa. Danh hiệu các giải thưởng đã quý, nhưng cao quý hơn là chất lượng nội dung và tác phẩm đến với cộng đồng, được đón nhận nồng nhiệt và đánh giá cao.

Truyền thống gần nửa thế kỉ qua, sức sáng tạo hiện tại trong cuộc sống sôi động, phát triển về kinh tế xã hội và những nhu cầu, đòi hỏi của nhân dân các dân tộc là cơ sở cho niềm tin sáng tạo mạnh mẽ trong những năm tháng trước mắt và lâu dài.

                                                                           Cao Văn Tư


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết