Làm gì để giải quyết việc làm cho lao động địa phương?

05:58 26-03-2019 | :6956

Laocaitv.vn - Cùng với sự phát triển của tỉnh Lào Cai, thời gian qua số lượng các doanh nghiệp dân doanh đã tăng lên đáng kể, không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, mà còn góp phần giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đặc biệt là đã giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Hiện Công ty CPSXXNK Phú Hưng có 200 công nhân thì phần nhiều là con em các dân tộc thiểu số huyện Bát Xát

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, Công ty cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu Phú Hưng được đánh giá là một trong những đơn vị rất tích cực trong việc sử dụng lao động địa phương. Hàng trăm lao động làm việc tại 2 nhà máy gạch của công ty hầu hết đều đến từ các xã của huyện Bát Xát, trong đó có nhiều người đã gắn bó với công ty được hơn 10 năm trước. Điều đáng nói là hầu hết các lao động trước khi đến với công ty đều chưa được đào tạo nghề và không có việc làm ổn định, rất thiếu các kỹ năng để tham gia thị trường lao động. Khi đến đây, họ được vừa học, vừa làm, cho đến khi thành thạo nghề và được sắp xếp làm việc ổn định trong các công đoạn, dây truyền sản xuất gạch của nhà máy. Không chỉ được hướng dẫn học nghề, tạo việc làm, có mức thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống, những lao động có năng lực tốt còn được công ty tạo điều kiện học tập để sắp xếp vào những vị trí quan trọng hơn trong nhà máy. Hiện Công ty cổ phần sản xuất, xuất nhập khẩu Phú Hưng có tổng số 200 công nhân thì phần nhiều là con em các dân tộc thiểu số huyện Bát Xát. Theo lãnh đạo công ty, lao động địa phương có một số hạn chế như thiếu kỹ năng sản xuất, ý thức kỷ luật lao động chưa cao, nhưng đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế này, ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương, xem đây là trách nhiệm đối với địa bàn mà doanh nghiệp đứng chân. Ông Vũ Đình Công, Phó GĐ Công ty CP sản xuất, XNK Phú Hưng cho biết: "Gần như 100% công nhân ở đây đều là người địa phương sở tại ở đây, sử dụng người lao động tại địa phương có thuận lợi là họ rất gần gũi, họ mong muốn gắn bó lâu dài, nhưng vẫn có những trường hợp là họ vẫn so đo tỉnh toán không ổn định công việc gây khó khăn cho chúng tôi, nhưng chúng tôi đã chủ động được nhân lực để thực hiện công việc của minh".

Chính nhờ việc quan tâm sử dụng lao động địa phương, những người thực sự có nhu cầu việc làm và gắn bó với đơn vị nên hơn 10 năm qua, Công ty CP sản xuất, XNK Phú Hưng đã có sự phát triển ổn định, đời sống của người lao động không ngừng được nâng lên. Hiện nay, phần lớn người lao động trong đơn vị đã thoát khỏi diện hộ nghèo, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.

Nhiều công việc đòi hỏi trình độ cao cũng được ưu tiên đào tạo, sử dụng lao động tại địa phương

Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Năng lượng Phúc Khánh kinh doanh trong lĩnh vực thủy điện, gắn với quản lý khoanh nuôi bảo vệ gần 4000 ha rừng tại huyện Văn Bàn. Với phương châm phát triển sản xuất kinh doanh không quên lợi ích của người dân nên cùng với nhiều hoạt động tạo sinh kế cho bà con trong vùng dự án, đơn vị còn ưu tiên tối đa cho việc sử dụng nguồn lao động tại chỗ. Trong đó việc quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn sử dụng 100% lao động là người địa phương, không chỉ ở những công việc giản đơn mà nhiều công việc đòi hỏi trình độ cao cũng được công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển năng lượng Phúc Khánh ưu tiên đào tạo, sử dụng lao động tại địa phương. Anh Mai Văn Dương, Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, Nhà máy Thủy điện Nậm Tha, huyện Văn Bàn cho biết: "Tôi được tuyển dụng vào làm ở công ty Phúc Khánh, tôi thấy mức thu nhập hiện nay của tôi là đáp ứng được với cuộc sống của bản thân, tôi mong muốn sẽ được công tác ở đây lâu dài và được đi học nâng cao trình độ chuyên môn để tăng thêm thu nhập cho gia đình".

Không chỉ ở các đơn vị doanh nghiệp mà chúng tôi vừa đề cập, thời gian qua, cùng với hàng loạt chính sách đồng bộ, từ hướng nghiệp dạy nghề đến đào tạo lao động gắn với nhu cầu việc làm của tỉnh, đã có nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương, đồng thời có những cách làm hiệu quả nhằm phát huy những ưu điểm, hạn chế những nhược điểm của lao động địa phương. Theo thống kê của ngành lao động, thương binh và xã hội thì từ năm 2016 đến nay đã có 24 doanh nghiệp dân doanh đăng ký đào tạo và tuyển trên 9000 lao động là người địa phương. Những doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo và tuyển dụng lao động với số lượng lớn là Công ty cổ phần Đồng Tả Phời, Tổng Công ty Khoáng sản VINACOMIN, Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, dự án Cáp treo Fansipan Sa Pa, các nhà máy sản xuất phốt pho vàng, các nhà máy thủy điện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên kết quả đào tạo và sử dụng lao động tại chỗ mới chỉ là bước đầu, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm sử dụng lao động của tỉnh với lý do lao động địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ, kỷ luật trong sản xuất kinh doanh. Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: "Trong những năm gần đây số lượng người lao động là con em các địa phương của Lào Cai được tham gia vào các dây truyền của các doanh nghiệp, cứ năm sau cao hơn năm trước, đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm rất cao của địa phương trong việc bố trí lao động tại địa phương, tạo nguồn lao động ổn định phát triển sản xuất. Tuy nhiên thì lao động tại Lào Cai vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp dẫn đến việc họ không sử dụng lao động tại địa phương".

Trong thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp, thông tin thị trường lao động để người dân biết, lựa chọn, tìm kiếm việc làm trong các doanh nghiệp

Từ thực tế trên, trong thời gian tới tỉnh Lào Cai sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp như: Tăng cường sự hợp tác giữa các ngành chức năng của tỉnh với các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh tại địa phương để nắm bắt nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư, tổ chức ký kết hợp tác giữa các ngành, địa phương với các doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực tại chỗ; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, đặc biệt ở các lĩnh vực, ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu cao như các ngành kỹ thuật, khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim, sản xuất hóa chất, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động việc làm và thông tin thị trường lao động để người dân biết và lựa chọn, tìm kiếm việc làm trong các doanh nghiệp.

Thế Văn - Quang Ánh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết