Làm gì để khẳng định thương hiệu quýt Mường Khương?

16:54 29-12-2019 | :1171

Laocaitv.vn - Là huyện vùng cao của Lào Cai, Mường Khương có nhiều tiểu vùng khí hậu, có lợi thế về phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, trong đó có cây quýt ngọt. Nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân, Mường Khương đang tập trung mở rộng diện tích cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm cho loại cây trồng này.

Mặc dù khí hậu khắc nghiệt, nhưng Mường Khương lại rất phù hợp với cây quýt.

Ở huyện Mường Khương, nương đồi có độ dốc lớn, nhiều đá trong khi khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước, nên các loại nông sản như lúa, ngô cho năng suất rất thấp, thế nhưng, thổ nhưỡng ở đây lại rất phù hợp với cây quýt. Chị Hoàng Thị Bình, thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khương, một trong những hộ đầu tiên tại Mường Khương tiên phong đưa cây quýt về trồng trên dốc đồi đá và hiện đang thực hiện trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chia sẻ: "Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật mà vườn quýt của gia đình tôi quả nào cũng to, mọng nước và đặc biệt là tôi không sử dụng bất cứ loại thuốc kích thích nào, nên luôn được người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao. Bên cạnh đó, những năm gần đây, cùng với việc mở rộng diện tích trồng quýt, gia đình tôi đã tiến hành trồng rải vụ, trồng cả quýt chín sớm và chín muộn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ trồng quýt mà gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định và có điều kiện nuôi các con ăn học".

Cây quýt hiện không chỉ được trồng tập trung tại thị trấn Mường Khương và xã Tung Chung Phố, người dân ở đây đang dần mở rộng diện tích trồng loại cây này đến các xã lân cận, như Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, Nấm Lư, Nậm Chảy, Thanh Bình. Đây là những khu vực vùng trung của huyện, có khí hậu tương đối mát, đất đồi, núi cao, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển cây quýt ngọt. Tại xã Lùng Khấu Nhin, hiện tại bà con đã chuyển đổi được 6 ha đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng cây quýt. Vụ quýt năm nay, những hộ dân đầu tiên trồng quýt ở Lùng Khấu Nhin đã bắt đầu được thu hoạch quả. Bà con nhân dân cũng yên tâm, bởi đầu ra cho sản phẩm quýt cũng tương đối thuận lợi. Để phát triển bền vững cây trồng này, đồng thời giữ vững và phát triển nhãn hiệu quýt Mường Khương, việc trang bị cho bà con nhân dân những kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quýt là yếu tố quan trọng đang được địa phương này đặc biệt quan tâm. Ông Sùng Dín, Phó Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin cho biết: "Trước đây bà con nhân dân trồng tự phát cho nên chưa biết cách chăm sóc, bảo vệ để cho cây mang lại hiệu quả. Sắp tới xã sẽ mở rộng diện tích cây quýt này và sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp, trung tâm dịch vụ hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc cây quýt này".

Hiện, toàn huyện Mường Khương có 488 ha diện tích trồng quýt, năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha. 

Theo số liệu thống kê từ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, tính đến nay, toàn huyện Mường Khương có 488 ha diện tích trồng quýt. Diện tích cho thu hoạch năm 2019 này là 225 ha, năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha. Đặc biệt, sản phẩm quýt Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đó là tấm giấy thông hành để sản phẩm nông sản của bà con nông dân vùng cao Mường Khương đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn, nhất là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn. Để tiếp tục nâng cao giá trị và chất lượng quýt, đồng thời thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, ngành Nông nghiệp huyện Mường Khương đã chỉ đạo và hướng dẫn bà con nông dân trồng và thu hoạch quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, chỉ áp dụng canh tác theo phương pháp hữu cơ, tăng cường sử dụng phân chuồng và phòng trừ sâu bệnh bằng việc làm sạch cỏ, sử dụng thiên địch và phòng ngừa sâu bệnh hại từ sớm. Hiện nay, huyện Mường Khương đã hình thành được vùng sản xuất quýt áp dụng quy trình VietGAP với diện tích 212 ha, qua đó góp phần giữ gìn thương hiệu quýt Mường Khương và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác cho người dân địa phương. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: "Huyện đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm quýt bằng hàng loạt các giải pháp, quan tâm đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tức là sản xuất ra sản phẩm an toàn. Chúng tôi cũng đã xúc tiến được một số sản phẩm với sản lượng nhất định vào các hệ thống siêu thị Hà Nội. Về chất lượng thì được người tiêu dùng đánh giá rất cao và Phòng Nông nghiệp và PTNT cũng cam kết với siêu thị là các hộ dân mà bán về đấy thì chúng tôi cam kết về chất lượng và chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm".

Huyện Mường Khương đang mở rộng vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Cây quýt đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình và có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của huyện Mường Khương. Để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm quýt Mường Khương, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn mở rộng diện tích cây quýt theo đúng quy hoạch, tránh phát triển ồ ạt. Đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân mở rộng vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm, khẳng định được thương hiệu trên thị trường, từ đó tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống cho người nông dân./.

Huyền Trang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết