Làm gì với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao?

19:24 17-06-2019 | :2412

Laocaitv.vn - Một vài năm gần đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của huyện Bắc Hà tuy có giảm trên quy mô toàn huyện, nhưng vẫn còn diễn ra khá phổ biến ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vấn nạn này đã để lại không ít những hệ lụy cho xã hội. Trước tình hình đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

 

Để đẩy lùi vấn nạn này, cần có sự vào cuộc và chung tay của cả xã hội

Ở tuổi 16, trong khi bạn bè cùng trang lứa đang lo học hành để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn thì em C đã rời bố mẹ về chung sống với chồng ở thôn Sỉn Giáo Ngài, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà. Do chưa đủ tuổi nên em không được đăng ký kết hôn, từ năm 2018 đến nay, em đã gánh trên mình trọng trách của một người vợ và chuẩn bị làm mẹ, khi mà công ăn việc làm chưa có, hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ chồng. Em C chia sẻ: "Lúc còn nhỏ em đi học, 16 tuổi em đã lấy chồng rồi, giờ em theo mẹ đi làm nương, nuôi gà, lợn thôi".

Theo thống kê của địa phương, từ năm 2015 đến hết tháng 5 của năm nay, toàn huyện Bắc Hà có 414 trường hợp tảo hôn và 2 cặp kết hôn cận huyết thống, chủ yếu xảy ra tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực đặc biệt khó khăn và là người dân tộc thiểu số như các xã: Hoàng Thu Phố, Bản Phố và Thải Giàng Phố. Việc về chung sống với nhau mà không được sự công nhận của pháp luật, cộng với cuộc sống vợ, chồng khi chưa phát triển toàn diện về tâm, sinh lý không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em mà còn tác động nghiêm trọng đến chất lượng dân số, làm suy giảm giống nòi…, kéo theo đó là nhiều hệ lụy xã hội khác như: Ly hôn, bạo lực gia đình… Nhận thức được những hệ lụy đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn huyện triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng trên. Tuy nhiên trên thực tế việc giải quyết vấn nạn này không hề đơn giản bởi những ảnh hưởng của hủ tục, tập quán lạc hậu, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên cũng chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định cũng đang gặp không ít khó khăn. Ông Sùng Seo Mào, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết: "Chúng tôi chú trọng tuyên truyền, vận động là chính. Việc xử phạt hành chính theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình tối đa cũng chỉ là 1 triệu, bà con bị phạt vẫn cứ nộp tiền".

Với quyết tâm phấn đấu đến năm 2020 giảm 50% số cặp tảo hôn, tiến tới đến năm 2025, cơ bản giảm thiểu tình trạng tảo hôn và chấm dứt hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao chất lượng dân số và chất lượng nguồn nhân lực. Huyện Bắc Hà sẽ tập trung nâng cao hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, giai đoạn 2015 – 2020” trên địa bàn huyện, trong đó, chú trọng tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân và gia đình, hậu quả và những hệ lụy của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Gắn việc thực hiện phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong thực hiện các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương, đặc biệt chú trọng vai trò tuyên truyền của các già làng, trưởng bản và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác này. Ông Lý Bình Minh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bắc Hà cho biết: "Tổ chức các hội thảo tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết mời thầy cúng, thầy mo tham gia, thông qua đó các già làng, trưởng bản sẽ thực hiện tuyên truyền ở nơi sinh sống và gương mẫu đi đầu. Đối với cán bộ đảng viên để xảy ra tình trạng tảo hôn, chúng tôi xử lý nghiêm".

Để đẩy lùi vấn nạn này, cần có sự vào cuộc và chung tay của cả xã hội, chính quyền các cấp cũng cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở..., đồng thời, cũng cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm, nêu gương cho cộng đồng. Có như vậy việc thực hiện công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn huyện mới thật sự hiệu quả, góp phần đảm bảo chất lượng dân số và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết