Nâng cao chất lượng hợp tác xã ở Si Ma Cai - Những vấn đề đặt ra

08:46 04-02-2024 | :273

Laocaitv.vn - Do đặc thù địa bàn thuần nông nên việc phát triển các hợp tác xã trên địa bàn được huyện Si Ma Cai quan tâm. Song vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên việc duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác này đang gặp không ít khó khăn. Đây là vấn đề đặt ra cần được địa phương quan tâm tháo gỡ.

Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Dơ Đô đang tạm dừng hoạt động.

Thành lập từ năm 2018, Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Dơ Đô chuyên về xây dựng các công trình, sản xuất gạch ba vanh. Thời kỳ cao điểm thường xuyên có từ 6-10 xã viên, mức thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng, hoạt động xây dựng trên địa bàn trầm lắng, các công trình Hợp tác xã này nhận được cũng ít dần, cuối cùng phải tạm dừng hoạt động.

Chị Ma Thị Đô, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp, Thương mại và Dịch vụ Dơ Đô, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai cho biết: “Lúc đầu, người dân có nhiều tiền thì mình đầu tư làm, sau đó xảy ra đại dịch Covid – 19 thì dân không có tiền, mình cũng không bán được vật liệu nữa, xong thì nghỉ. Ở đây thì không có bìa đỏ nên không vay mượn được, vay chính sách thì được 50 triệu cũng không làm được gì”.

Trụ sở UBND xã Mản Thẩn (cũ) làm nơi sản xuất, đóng gói các sản phẩm từ cây tam thất.

Chị Vũ Thị Nhung, Giám đốc Hợp tác xã Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai chia sẻ: “Trụ sở UBND xã cũ được giao lại cho Hợp tác xã làm nơi sản xuất, đóng gói các sản phẩm từ cây tam thất. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, Hợp tác xã đã phải làm đơn xin dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu sản xuất, người lao động cũng dần xin nghỉ để đi làm thuê tại các khu công nghiệp”.

Si Ma Cai hiện có 23 HTX và 67 Tổ hợp tác.

Huyện Si Ma Cai hiện có 23 hợp tác xã và 67 tổ hợp tác, với hơn 1.000 thành viên, chủ yếu là các hợp tác xã nông nghiệp. Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: “Đa phần các hợp tác xã hoạt động cầm chừng, không mấy hiệu quả, một số đang tạm dừng hoạt động. Một trong những nỗ lực của địa phương là giúp liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con khi Hợp tác xã hoạt động cầm chừng. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có thể thu mua được hết các sản phẩm mà bà con nông dân nuôi trồng”.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của nhà nước, thì việc gắn sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ cần được chú trọng. Qua đó, giúp các hợp tác xã hoạt động thực chất, hiệu quả hơn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Thế Long - Thành Thuận

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết