Nghề rừng, bước đột phá phát triển kinh tế nông thôn

07:47 05-03-2019 | :1180

Laocaitv.vn - Tỉnh Lào Cai có trên 400 nghìn ha đất, rừng quy hoạch cho lâm nghiệp, trong đó rừng sản xuất trên 192 nghìn ha, chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, thời gian qua tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều mô hình, dự án thúc đẩy kinh tế rừng, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau mà tiềm năng lợi thế của kinh tế rừng vẫn chưa khai thác hiệu quả. Với việc Luật Lâm nghiệp chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 đã mở ra cơ hội lớn cho kinh tế rừng Lào Cai, nhất là cho khu vực nông thôn. 

Ngôi nhà mới xây của gia đình ông Lê Văn Hệ là thành quả từ việc trồng rừng

Ngôi nhà mới xây của gia đình ông Lê Văn Hệ, thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà có trị giá xây dựng hơn 400 triệu đồng phần lớn là thành quả từ việc trồng rừng. Với 3 ha đất trồng quế và mỡ, sau khi khai thác 1,5 ha rừng trồng, ông đã trồng ngay 1,5 ha quế vào diện tích vừa khai thác để không cho đất nghỉ. Diện tích quế này sau khi nghiệm thu đã được hỗ trợ một phần kinh phí từ dự án hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Đình Trà ở thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà có 3,5 ha rừng, hàng năm cho gia đình ông nguồn thu nhập bình quân mỗi năm 50 triệu đồng từ việc chặt tỉa, hơn ai hết ông là người hiểu rõ lợi ích kinh tế của việc trồng rừng. Để thuận tiện cho việc khai thác và quản lý, bảo vệ rừng, ông đã đầu tư mở đường vào rừng với giá trị khoảng 45 triệu đồng. ông Trà chia sẻ: "Tôi thấy phương thức trồng rừng sau đầu tư là cách làm mang lại nhiều lợi ích. Những năm qua gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ các chính sách trồng rừng, khi gia đình tôi bắt đầu trồng được cán bộ kiểm lâm đến hướng dẫn từ chọn cây giống đến kỹ thuật trồng, nên cây sống là rất cao, sau khi cán bộ kiểm lâm đến nghiệm thu gia đình tôi sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí". 

Thôn Làng Chưng có 135 hộ, từ năm 2015 trở về trước có tới gần 70% là hộ nghèo, nhưng từ khi dự án hỗ trợ trồng rừng sau đầu tư được triển khai, kinh tế rừng đã trở thành đòn bẩy làm thay đổi toàn diện đời sống của người dân nơi đây. Dù tại xã Sơn Hà chỉ có 9 trong tổng số 13 thôn có rừng, chiếm 60% diện tích tự nhiên nhưng hiệu quả kinh tế rừng tác động đến kinh tế địa phương thời gian qua là rất rõ nét. Ông Khổng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho biết: "Trồng rừng ở đây chủ yếu là trồng quế, khi cây lớn lên, bà con cắt tỉa dần bán để tăng thêm thu nhập. Trồng rừng đã giúp bà con nơi đây có được kinh tế cao, ổn định. Từ đó xã ngày cảng giảm hộ nghèo, như năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo của xã Sơn Hà chỉ còn 5,7%".

Ông Nguyễn Đình Trà và bà con trong thôn được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn từ chọn cây giống đến kỹ thuật trồng

Bảo Thắng là 1 trong 2 huyện đầu tiên của tỉnh Lào Cai thực hiện thí điểm trồng rừng theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư vào năm 2015, đã cho thấy lợi ích kép của phương thức này. Một mặt thúc đẩy phong trào trồng rừng ở Bảo Thắng đem lại hiệu quả cao trong việc bảo vệ và phát triển rừng, mặt khác đã làm thay da đổi thịt đời sống của người làm nghề rừng. Kể từ khi thí điểm, qua 4 năm triển khai thực hiện, Bảo Thắng đã có gần 2 nghìn ha rừng trồng theo phương thức này và đã có trên 7 tỷ đồng được chi trả hỗ trợ cho các hộ trồng rừng. Riêng nguồn vốn hỗ trợ năm 2018 đã nghiệm thu xong và đang chờ thanh toán. Hiện toàn huyện có gần 40 nghìn ha rừng, trong đó rừng sản xuất là gần 28 nghìn ha. Việc phát triển kinh tế rừng đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. 

Những năm qua, chính sách về lâm nghiệp đã giúp công tác  bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Lào Cai đạt được nhiều kết quả. Bình quân mỗi năm, Lào cai trồng khoảng 8 nghìn ha rừng, hết năm 2018, tỷ lệ tán che phủ rừng của tỉnh đạt 54,9%, dự kiến sẽ tăng lên 56% vào năm 2020. Các chính sách phát triển lâm nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đã giúp trên 22 nghìn lao động ở khu vực nông nghiệp và nông thôn của tỉnh có thêm việc làm và thu nhập khi tham gia vào công tác bảo vệ và phát triển rừng hàng năm. Tuy nhiên thực tế triển khai, tại các địa phương cho thấy: Chính sách lâm nghiệp còn nhiều điểm bất cập, thiếu đồng bộ nên phần nào làm giảm hiệu quả thực thi tại địa phương, trong đó, nổi cộm là những bất cập trong quản lý đất đai. Cụ thể như chính sách giao đất, giao rừng không gắn với nguồn lực, việc chồng chéo giữa các chủ rừng với người dân hay những hạn mức trong chính sách khiến các địa phương không có các trang trại lâm nghiệp. Luật Lâm nghiệp chính thức có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 đã khắc phục những nội dung không phù hợp, của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó vấn đề phát triển kinh tế rừng đã được chú trọng, với những nội dung rõ ràng, chi tiết đã mở ra hành lang pháp lý hấp dẫn trong việc thu hút đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Để Luật Lâm nghiệp sớm đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến kinh tế lâm nghiệp Lào Cai, năm 2019, tỉnh Lào Cai đã đề ra một số nội dung nhiệm vụ cụ thể, sát với thực tiễn. Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết: "Ngay từ tháng 1/2019, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp đến bà con; xây dựng kế hoạch giao đất, giao rừng; tổ chức triển khai kế hoạch của tỉnh trên cơ sở các cơ chế chính sách đã ban hành; triển khai thực hiện việc chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên để tham mưu với tỉnh về vấn đề này, đồng thời triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch tỉnh giao năm 2019; đánh giá lại vùng nguyên liệu quế, vùng chế biến, về cơ cấu loại cây trồng và phương thức trồng, loại đất trồng và đánh giá xem những vùng nào phát triển được, vùng nào khuyến cáo bà con không trồng và mật độ trồng như thế nào cho phù hợp để đem lại hiệu quả, đặc biệt chúng tôi quan tâm đến chế biến và thương mại lâm sản từ cây quế làm ra như tinh dầu quế, vỏ quế, gỗ quế làm ra được sản phẩm gì, giá thành ra sao. Từ đó đề xuất giải pháp bền vững". 

Với việc triển khai Luật Lâm nghiệp một cách nghiêm túc, tích cực, năm 2019 sẽ là mốc son đánh dấu thời điểm ngành kinh tế lâm nghiệp Lào Cai bứt phá và vươn lên.

Thế Văn - Quang Ánh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết