Người dân Bắc Hà tạo sản phẩm du lịch từ nghề truyền thống

15:26 13-10-2024 | :154

 

Laocaitv.vn - Người Mông hoa ở huyện Bắc Hà có nghề truyền thống làm trang phục, trong đó, công đoạn khó nhất đó là vẽ sáp ong trên vải chàm để tạo hoa văn, sản xuất may mặc và làm ra các sản phẩm du lịch. Bằng phương pháp thủ công truyền thống, họ vừa làm, vừa hướng dẫn cho lớp trẻ và những người chưa biết nghề để tạo ra các hoa văn cho thế hệ tiếp theo.  

 

Hiện nay, nghề vẽ sáp ong còn rất ít người biết làm. Bởi vậy, khi đến các bản làng người Mông ở Bắc Hà chủ yếu thấy những người phụ nữ đã có tuổi làm nghề này nhưng cũng không nhiều. Việc vẽ sáp ong đòi hỏi sự hiểu biết về hoa văn truyền thống, khéo léo và tỉ mỉ trong cách làm vì có nhiều chi tiết nhỏ, cần những kỹ năng được rèn luyện qua thời gian.

Bà Vàng Thị Chứ, ở thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà cho biết: "Tôi truyền lại cho các cháu những nét thêu may và vẽ sáp ong của các cụ để lại, cũng rất là khó làm. Các mẫu hoa văn từ xưa truyền lại nên tôi mong muốn truyền cho con cháu sau này để giữ được nét đẹp của người Mông".

Chị Sùng Thị Xoa, ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà cũng cho biết: "Bản sắc trang phục truyền thống dần mai một, nên chúng tôi mời các cụ ra truyền lại. Qua đó, giúp tạo thu nhập cho các hội viên của tổ; đồng thời, giữ được nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông".  

Vẽ sáp ong trên vải là một trong những nghề thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Hoa văn trên trang phục của người Mông cũng như tạo ra các sản phẩm du lịch đã được nhiều du khách yêu thích. Do vậy, đã có những nhóm, tổ liên kết của chị em phụ nữ ở địa phương được thành lập và cùng nhau giữ gìn, phát triển nghề, làm các sản phẩm bán cho khách du lịch.

"Còn nhiều mẫu mã tôi đang tìm hiểu và cũng cố gắng hoàn thiện được những mẫu sản phẩm vừa mang nét đẹp truyền thống, vừa mang phong cách tranh phục hiện đại để thu hút được nhiều khách hơn", chị Sùng Thị Xoa cho biết thêm.

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: "Chúng tôi đã tuyên truyền vận động bà con Nhân dân quay trở lại với nghề truyền thống làm sản phẩm thêu thùa địa phương. Khi duy trì được thì đó sẽ là sản phẩm cốt yếu trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống".

Các sản phẩm thổ cẩm truyền thống được nhiều du khách yêu thích.

Hiện, hoa văn trang phục của người Mông hoa Bắc Hà có khoảng trên dưới 50 mẫu mã được lưu truyền. Từ các nền tảng này, chị em phụ nữ Mông đã sáng tạo, đưa vào kết hợp với nhiều vật dụng, trang phục, đồ lưu niệm, khăn, rèm… bán cho khách du lịch. Qua đó, góp phần giữ gìn bản sắc của dân tộc, mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình.

Đức Trung


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết