Nhọc nhằn bước chân gọi học trò

15:02 02-02-2023 | :332

Laocaitv.vn - Vài năm trở lại đây, duy trì tỷ lệ chuyên cần không còn là bài toán nan giải với giáo dục Lào Cai. Tuy vậy, ở một số địa bàn khó khăn, vì nhiều lý do, tỷ lệ học sinh ra lớp sau Tết vẫn tương đối thấp, nhiều thầy cô vẫn phải đến tận thôn, vào nhà dân để vận động phụ huynh đưa con đến trường.

Các thầy cô giáo cắm bản đã quen thuộc với những cung đường dốc đứng nguy hiểm khi đến vận động học sinh đến lớp.

Học sinh còn đang nghỉ Tết, cô giáo Lự Thị Điểm đã quay trở  lại Tòong Dao, chuẩn bị đón học trò. Một mình phụ trách điểm trường với 7 học sinh người Dao ở thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã, cô Điểm đã quen với những cung đường dốc đứng nguy hiểm, với cái tĩnh lặng của bản không điện, không sóng điện thoại, quen với cái tất bật mỗi trưa sau giờ lên lớp để xoay sở bữa cơm bán trú cho học trò nghèo. Cô giáo Lự Thị Điểm, Trường Mầm non Bản Phùng, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa cho biết: "Trời mưa đi xe lên rồi bị ngã xe đau chân, xe bị đổ. Mấy lần bật khóc rồi nhưng không biết phải làm sao, chỉ biết cố gắng thôi vì mình đã chọn nghề thì mình yêu nghề mà. Nghĩ về các bạn trẻ ở trên này thương lắm, chỉ muốn mang những gì tốt đẹp nhất dành cho các bạn".

Ngày đầu tiên đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết, lớp học của cô giáo Kha Mạ tại điểm trường Toòng Mông vắng 13 học sinh. Các cô lại phân công nhau người đứng lớp, người trèo đèo, lội suối đến từng nhà dân để đón học trò ra lớp. Cô giáo Kha Mạ, Trường Mầm non Bản Phùng, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Hôm nay cô giáo xuống đây để vận động con nhà mình đi học, cho đi học cùng chị để lên lớp với các bạn, học ở đấy cả ngày có chỗ ăn, chỗ ngủ".

Cô giáo Kha Mạ đến từng nhà học sinh để vận động gia đình đưa con ra lớp.

Sau kì nghỉ Tết năm nay, Sa Pa là địa phương có tỷ lệ chuyên cần thấp nhất tỉnh, nhất là ở tại xã, thôn đặc biệt khó khăn. Việc học sinh vắng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch dạy và học. Chính vì thế, ngay từ ngày đầu năm mới, các thầy cô giáo cắm bản cũng vất vả hơn nhiều. Cô giáo Vi Thị Thắm, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Bản Phùng, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa cho biết: "Công tác tuyên truyền loa đài đến phụ huynh cũng không có, với lại nhà dân ở cách xa điểm trường, đường đi khó khăn các cô cũng không thể đi xe máy đến được phải đi ủng, đi bộ để vận động trẻ. Tuyên truyền đến phụ huynh các công việc hoặc công tác chăm sóc giáo dục trẻ".

Nỗ lực của các thầy cô cũng đã được đền đáp. Những chỗ trống thưa dần, lớp học lại ríu rít tiếng nói cười của học trò. Mùa xuân nơi bản xa, các cô giáo cắm bản lại cùng học trò của mình miệt mài với hành trình gieo con chữ, xây tương lai.

 Thu Hường – Lương Mạnh

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết