Phát triển đối tượng BHXH tự nguyện: Đi tìm lời giải cho “bài toán” khó

09:50 01-04-2019 | :243

Laocaitv.vn - Ước mong có cuộc sống tuổi già được ổn định với đồng lương hưu hàng tháng của hàng trăm nghìn người lao động không hưởng lương Nhà nước. Đáp ứng nhu cầu chính đáng đó, Nhà nước đã ban hành chính sách khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện. Qua quá trình tuyên truyền, vận động của cơ quan BHXH các cấp, nhất là sau khi Luật BHXH được sửa đổi cùng các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu lực, không ít người lao động không hưởng lương đã quan tâm chủ động tham gia BHXH để được hưởng lương hưu khi về già.

Năm nay đã 29 tuổi, vậy nhưng chị Hà Thị Lệ Thu, xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn vẫn chưa tìm được cho mình một công việc ổn định. Để có thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình, chị đã xin làm cộng tác viên, đảm trách nhiệm vụ của một nhân viên bưu điện văn hóa xã, đồng thời chị cũng là một tuyên truyền viên tích cực của khối đoàn thể xã Hòa Mạc. Công việc khá vất vả, bù lại chị có khoản thu nhập hơn 4 triệu đồng từ hai nguồn nêu trên, chị Thu đã chủ động trích một phần tham gia BHXH theo hình thức tự nguyện để đến khi về già, chị cũng được hưởng lương hưu như nhiều người khác. Chị Hà Thị Lệ Thu, xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Tôi nghĩ bây giờ mình vẫn còn trẻ thì làm việc để có thu nhập để nuôi con cái, nhưng vẫn phải trích ra một phần thu nhập đóng BHXH để sau này khi về già, sức khỏe yếu thì mình có lương hàng tháng của bảo hiểm trả, như thế cuộc sống sau này của mình sẽ đỡ vất vả hơn".

Nhận thấy có nhiều lợi ích thiết thực chị Hà Thị Lệ Thu đã tham gia BHXH tự nguyện  

Mỗi năm, nguồn thu nhập chính của gia đình chị La Thị Hiên, xã Làng Giàng là khoảng hơn một tấn thóc, chăn nuôi được vài tạ lợn thịt, hai lứa lợn giống và hơn trăm con gà vịt. Thời gian nông nhàn, vợ chồng chị tranh thủ đi làm thuê trên các công trình xây dựng tại địa phương để tăng thêm thu nhập. Sau khi được các cán bộ của cơ quan BHXH huyện Văn Bàn tuyên truyền, tư vấn, chị đã quyết định trích một phần tiền đã giành dụm được để tham gia BHXH tự nguyện, hy vọng có thể chủ động cuộc sống khi về già. Chị La Thị Hiên, xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn cho biết: "Tôi đi chợ thấy có tờ giấy quảng cáo, mang về đọc thì thấy có chính sách đóng BHXH tự nguyện, tôi ra BHXH huyện để nghe tư vấn và thấy có ích cho mình, để sau này mình nhiều tuổi sẽ có lương hàng tháng nên tôi cũng tham gia đóng, tôi đóng theo quý, mỗi quý là hơn 900 nghìn, tôi thấy mức đóng này là rất phù hợp".

Theo chị La Thị Hiên tham gia BHXH tự nguyện để sau này có lương hàng tháng, an tâm khi về già

Đầu tư cơ sở kinh doanh đồ gia dụng ở thị trấn Khánh Yên đã nhiều năm, nên gia đình chị Phạm Thị Hà xây dựng được nền tảng kinh tế khá vững chắc, ngay từ năm 2013 chị đã có điều kiện để tìm hiểu về các lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Không chỉ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng, anh chị còn vận động các lao động làm thuê trong cửa hàng tham gia BHXH. Chị Phạm Thị Hà, thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Tôi coi đóng BHXH từ nguyện như là của để dành, sau này không làm việc được nữa thì đã có một khoản để dưỡng già. Tôi cũng tuyên truyền, vận động bạn bè, anh em tham gia đóng, vì đây là lợi ích rất thiết thực đến bản thân mình và cũng đã có nhiều bạn bè của tôi đã tham gia đóng rồi".

Huyện Văn Bàn có tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lao động không hưởng lương trong huyện

Trên thực tế, không phải người lao động không hưởng lương nhà nước nào cũng nhận thức rõ về BHXH tự nguyện và có sự chuẩn bị cho cuộc sống sau này như chị Thu, chị Hiên hay chị Hà. Bởi vậy, đến hết năm 2018, huyện Văn Bàn mới có 130 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lao động không hưởng lương trong huyện. Áp dụng đồng bộ các giải pháp để nâng tỷ lệ người lao động không hưởng lương tham gia BHXH tự nguyện được cơ quan BHXH huyện Văn Bàn xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ông Nguyễn Vĩnh Thế, Giám đốc BHXH huyện Văn Bàn cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường, phổ biến đến tất cả người dân, phát triển thêm mạng lưới thu đến từng tổ dân phố, thôn, bản để người dân được tiếp cận gần hơn với chính sách BHXH tự nguyện. Chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý người tham gia hưởng chế độ bảo hiểm tự nguyện, đồng thời đa dạng các hình thức nhận, trả kết quả hồ sơ, làm sao thuận tiện nhất cho người dân".

Theo quy định, từ 1/1/2018, Nhà nước hỗ trợ tiền tham gia BHXH tự nguyện đối với người lao động thuộc diện hộ nghèo là 30%, hộ cận nghèo là 25%, các đối tượng khác là 10%. Cùng với đó, các quy định về mức đóng, thời gian đóng cũng được áp dụng một cách linh hoạt, phù hợp với số thu nhập và kỳ thu nhập của từng người. Những đòn bẩy chính sách này đang được BHXH huyện Văn Bàn tích cực tuyên truyền để vận động người lao động không hưởng lương trong huyện tham gia BHXH tự nguyện, mở ra một giải pháp lâu dài ổn định cuộc sống cho phần lớn cư dân trong huyện.

Quang Thuận

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết