Tác nghiệp nơi “đầu sóng” để thấy Trường Sa thật gần

07:26 21-06-2019 | :882

Laocaitv.vn - Những chuyến đi sẽ cho mỗi nhà báo muôn vàn trải nghiệm đáng nhớ, nhưng có lẽ sẽ chẳng có nơi nào giống với Trường Sa. Được tác nghiệp trong chuyến đi đặc biệt này là một trải nghiệm vô giá với chúng tôi. Đến một lần để rồi sẽ nhớ mãi. Trường Sa luôn hiện diện sâu lắng trong trái tim và tâm thức mỗi phóng viên để luôn cảm thấy có trách nhiệm phải làm tốt hơn công việc của mình, để thấy trân trọng hơn với nghề mà mình đã chọn.

Chung nhịp đập với từng ngọn sóng vỗ nơi tiền tiêu

Chiếc tàu KN491 reo 3 hồi còi tạm biệt đất liền, bắt đầu hành trình vươn khơi trong sự háo hức của gần 40 phóng viên, tất cả đều là những người lần đầu được ra Trường Sa... mở ra câu chuyện mà chúng tôi quan tâm, chuyện tác nghiệp trên biển.

Tác nghiệp ở Trường Sa, một nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sóng gió, hơi biển mặn; trong khi còn phải chống chọi với việc say sóng sau một hải trình dài, tác nghiệp mà luôn phải lo việc bảo quản thiết bị bởi hơi nước biển có thể làm hỏng chúng bất cứ lúc nào... Vậy nhưng, với người làm báo thì ai cũng mong muốn một lần được đến Trường Sa - một vùng đất thiêng liêng luôn nằm trong trái tim của người con đất Việt. Dù rằng, nghĩ đến hải trình của những ngày lênh đênh trên biển, lời nhắn nhủ của thượng tá Lương Xuân Giáp, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân với phóng viên trước khi tàu khởi hành ra Trường Sa vẫn là nỗi ám ảnh đến tận bây giờ với tôi và các đồng nghiệp: “Đi Trường Sa không nói trước được ngày về. Tàu phải lách sóng ra khơi. Các nhà báo cần chuẩn bị kỹ sức khỏe, tinh thần để đối diện những cơn say sóng, những hiểm nguy khó lường trong hành trình", nhưng chuyện tác nghiệp trên đảo được kể lại vẫn đầy hào hứng, kể cả trong những lúc tưởng như cơn say sóng sắp đánh gục, tưởng như có lúc “rụng tim” vì sợ. Để còn đó là ấn tượng khi được đến những hòn đảo xinh đẹp thiêng liêng của Tổ quốc, được lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động về những người lính Hải quân, được chứng kiến sức sống kỳ diệu tại mảnh đất khắc nghiệt nơi đầu sóng, ngọn gió, được chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng giữa trùng khơi...

Phóng viên tác nghiệp trên đảo Trường Sa. (Ảnh: Trung Kiên)

Trong số các đảo thuộc Trường Sa chỉ duy nhất đảo Trường Sa Lớn tàu cập mạn, còn lại để di chuyển lên những hòn đảo nhỏ, đoàn phóng viên buộc phải “tăng bo” bằng xuồng. Đến bất cứ đảo nào, sau khi tàu buông neo, anh em báo chí luôn được vào danh sách những người xuống chuyến xuồng đầu tiên. Đó là sự ưu ái của trưởng đoàn, tạo điều kiện cho các nhà báo có thể chủ động chứng kiến được toàn bộ "quy trình” một chuyến thăm đảo, cũng như có thêm thời gian quý báu để chuyện trò giao lưu cùng lính đảo. Quả thật, việc di chuyển từ tàu vào đảo chẳng khác nào một trò chơi "sinh tử". Sóng nhồi dữ dội, dù trên tàu và dưới xuồng đều có các thủy thủ dày dạn kinh nghiệm đón đỡ từng người, nhưng bước được xuống xuồng cũng không phải dễ. Phải tận dụng thời khắc ngắn ngủi giữa hai ngọn sóng để xuống thật nhanh, phải đặt chân đúng chỗ để tránh bị kẹp giữa hai "gọng kìm thép" là thành xuồng và mạn tàu, điều này đã được cảnh báo từ trên bờ, bởi thực tế từng có những tai nạn như vậy. Sóng lớn, xuồng lắc nhồi liên tục, chỉ đi tay không đã thấy mệt và nguy hiểm, huống hồ cánh nhà báo luôn lỉnh kỉnh máy ảnh, máy quay, máy tính xách tay, sổ sách… phục vụ cho quá trình tác nghiệp. Các thiết bị tác nghiệp luôn được bọc kín bằng nhiều lớp ni lông bởi chỉ cần dính nước biển là máy rất dễ bị hỏng.

Việc di chuyển vào những đảo nhỏ phải "tăng bo" bằng xuồng máy. (Ảnh: Trung Kiên)

Dường như mọi sự sợ hãi, mọi mệt mỏi sau khi đánh vật với những con sóng đều tan biến khi ở bất cứ hòn đảo nào khi xuồng cập bờ chúng tôi luôn nhận được sự tiếp đón nồng hậu của các chiến sĩ Hải quân. Do thời gian được phép lưu trú trên mỗi hòn đảo chỉ kéo dài vài tiếng nên chúng tôi chia nhau ra thành từng nhóm, phân ra từng khu vực để tác nghiệp. Ai cũng tận dụng tối đa thời gian ngắn ngủi trên đảo để cố gắng không bỏ sót những khoảnh khắc, những hoạt động của người lính biển; lắng nghe từng câu chuyện đầy xúc động nơi đầu sóng. Nhà báo Trần Phong (báo Người tiêu dùng) là người đam mê ảnh và có nhiều tác phẩm ảnh đoạt giải thưởng quốc tế. Trong chuyến công tác đặc biệt này còn đem theo chiếc máy ảnh thuộc dạng “khủng” với thẻ nhớ “tràn trề” dung lượng để sáng tác. Hễ cứ lên đảo là khai thác hết công suất, về tàu phải hì hụi cóp ảnh ra máy tính xách tay, rồi “khoe” với đồng nghiệp những bức ảnh ưng ý nhất. Ở đảo Trường Sa Đông, anh kiên nhẫn thức trắng đêm chỉ để chụp hoa bàng vuông nở về đêm. Để rồi thành quả là anh đã có hàng chục tấm hình đẹp đến nao lòng ghi lại vẻ đẹp lộng lẫy, kiêu sa của loại hoa được ví như là “nữ hoàng của biển khơi”.

“Trường Sa với những dấu ấn rất riêng, nhiều cảm xúc đặc biệt với mỗi người làm báo chúng tôi khi đến với vùng đất này. Trường Sa với những người lính đảo kiên cường, những người dân thuần hậu, không chỉ là nguồn đề tài vô tận cho những người cầm bút chúng tôi, mà cả trái tim các nhà báo cũng chung nhịp đập với từng ngọn sóng vỗ về hải đảo tiền tiêu của Tổ quốc”, nhà báo Trần Phong nhấn mạnh.

Thức đêm “canh sóng”

Trong suốt hành trình 20 ngày giữa biển khơi không internet, không sóng điện thoại nên việc kết nối với đất liền gần như bị gián đoạn. Khi tàu neo gần đảo cũng là lúc mạng di động Viettel bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, do mạng yếu, sóng chập chờn nên việc gửi tin, bài về toà soạn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Dù vậy cũng đã có không ít những tác phẩm báo chí đã được “thai nghén” ngay trên tàu do tính thời sự và sự cập nhật tin tức trong xu hướng làm báo 4.0.

Chúng tôi vẫn nhớ về hình ảnh nữ phóng viên Thủy Châu (Báo Tuyên Quang), vì muốn tác phẩm của mình “nóng hổi”, kịp ra số báo in nên chị đã rất chịu khó đợi đến nửa đêm (khi ít người dùng điện thoại, mạng khoẻ hơn) để leo lên boong tàu ngồi “canh sóng”. Nhà báo Thủy Châu còn ví von: “Việc đi chao sóng trên tàu để gửi bài giống như người đi câu cá. Ấy vậy mà đêm nào may mắn tìm đúng điểm “sóng rơi” thì cũng chỉ gửi được vài tấm ảnh về toà soạn là tôi mừng rơi nước mắt. Có những hôm thức trắng đêm nhưng vẫn không bắt được sóng”. Đấy là với những nhà báo làm báo in, cơ hội có bài kịp tiến độ như thế đã được gọi là may mắn. Còn đối với các đồng nghiệp mảng truyền hình thì việc gửi tác phẩm về trong quá trình tác nghiệp ở Trường Sa là nhiệm vụ “bất khả thi”.

Các phóng viên thực hiện bản tin phát thanh nội bộ trên tàu KN491. (Ảnh: Trung Kiên)

Không giấu nổi niềm vui, nhà báo Thủy Châu đã chia sẻ về “sáng kiến” làm bản tin phát thanh nội bộ mà đoàn công tác đã thực hiện ngay trên tàu KN 491. Hằng ngày, Ban Biên tập bản tin điện thoại về cho đồng nghiệp ở đất liền để lấy những thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và diễn biến của quốc tế rồi chọn lọc để phát cùng với các bài viết do phóng viên ghi nhận trong suốt hành trình. Bản tin nội bộ như một cầu nối giữa đất liền với cuộc hành trình, giảm bớt nỗi nhớ đất liền của những người lần đầu xa nhà lênh đênh trên biển cả bao la… Mặc dù nhiều khó khăn nhưng việc được đến Trường Sa tác nghiệp đối với mỗi nhà báo như một trải nghiệm thú vị, giúp chúng tôi trưởng thành hơn trong nghề. Nhà báo Thanh Nam (Báo Lào Cai) lần đầu tiên được đến với Trường Sa không giấu nổi cảm xúc, anh chia sẻ: "Trường Sa luôn hiện diện sâu lắng trong trái tim và tâm thức để chúng tôi luôn cảm thấy có trách nhiệm phải làm tốt hơn công việc của mình, để thấy trân trọng hơn với nghề mà mình đã chọn”.

Các phóng viên chụp ảnh cùng quân và dân trên đảo Trường Sa Lớn. (Ảnh: Trung Kiên)

Có thể nói, phóng viên báo chí đến với Trường Sa dường như đã trở nên gắn bó hơn với quân và dân trên đảo, hòa cùng với đời sống của họ để thấu hiểu, sẻ chia và truyền tải tâm tư tình cảm của quân dân Trường Sa về với đất liền. Trao và nhận yêu thương để tiếp thêm động lực trong hành trình của mình. Và hành trình đấy cứ nối dài để rồi những thước phim, những hình ảnh, những câu chuyện chân thực nhất về Trường Sa được truyền tải tới đất liền, tiếp thêm sức mạnh để những người lính Trường Sa luôn vững chắc tay súng, bảo vệ biển trời của Tổ quốc.

Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết