Tận tâm, tận lực vì con trẻ vùng cao

15:39 28-10-2023 | :156

Laocaitv.vn - Để rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi, những năm qua, nhiều chính sách ưu tiên đã được thực hiện cho giáo dục vùng cao. Không còn trường lớp tạm, cuộc sống giáo viên vùng cao cũng bớt phần vất vả, nhọc nhằn. Nhưng nhiệm vụ mới, nỗi lo mới. Các thầy cô đang phải nỗ lực gấp nhiều lần với bài toán đổi mới, tận tâm, tận lực vì con trẻ vùng cao.   

Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Đồng Quốc Phương, Trường PTDTBT Tiểu học Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương lại miệt mài làm việc trong khuôn viên nhà trường. Bằng nét vẽ khéo léo, thầy Phương đã thổi hồn vào những hòn đá khô cằn, tạo cảnh quan sinh động cho ngôi trường nơi "Trường Sa cạn".

Thầy giáo Đồng Quốc Phương cho biết: "Những tảng đá có khi chúng tôi tìm ở dưới vực rất sâu. Cả thầy, cả trò cùng phụ huynh vần đá lên. Tùy vào kích cỡ, tôi sẽ sử dụng vào mục đích khác nhau. Ít nhất viên đá phải có mặt phẳng, để khi mình thể hiện nội dung trên đấy được trọn vẹn. Ngoài tôi ra còn có những thầy cô chuyên môn mỹ thuật hoặc có chút năng khiếu cũng tham gia".

Thầy giáo Đồng Quốc Phương thổi hồn vào những hòn đá vô chi vô giác, tạo cảnh quan sinh động cho ngôi trường.

Thực hiện chủ trương rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh đã xóa 72 điểm trường; đưa 2.233 học sinh ở điểm trường về học tại trường chính, giúp cho học sinh ở thôn, bản xa xôi có điều kiện học tập, rèn luyện tốt hơn. Nhiều thầy cô giáo sẵn sàng ở lại trường cả ngày, cả đêm để chăm sóc các em. Với các trường học ở địa bàn không còn được hưởng các chế độ hỗ trợ, các thầy cô còn sẵn sàng phụ trách công việc cấp dưỡng, trở thành các tuyên truyền viên huy động nguồn lực xã hội hóa giúp học sinh có thêm điều kiện đến trường.

Cô giáo Hoàng Diệu Thúy, Trường PTDTBT THCS Nậm Mòn, huyện Bắc Hà cho biết: "Nếu nói không vất vả là không phải. Rất vất vả. Tuy nhiên, với tâm huyết nghề nghiệp, với trách nhiệm của chúng tôi, lương tâm của mỗi người làm nghề giáo, thì chúng tôi luôn sắp xếp tất cả thời gian, công việc để chăm lo cho các em học sinh, để các em đến trường luôn cảm thấy trường là nhà và đến trường là cảm thấy hạnh phúc".

Thầy cô giáo luôn phải cập nhật kiến thức để có những tiết học sát với thực tế và phù hợp với điều kiện nhà trường.

Không chỉ chăm lo chuyện ăn, chuyện ở, chuyện học văn hóa cho học trò, dựa trên điều kiện thực tiễn, các thầy cô giáo vùng cao còn nỗ lực sáng tạo những mô hình trường học gắn với thực tiễn, tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh vừa học kiến thức, vừa rèn kỹ năng.

Thầy giáo Nguyễn Tài Lan, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Chạc, huyện Bát Xát cho biết: "Tôi phải thường xuyên học tập, cập nhật những thông tin, những kỹ thuật nông nghiệp liên quan đến ngành học, để làm sao hướng dẫn các em kiến thức sát với thực tế nhất, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của nhà trường".

Với các thầy cô giáo vùng cao, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ có chung lý tưởng về sự cống hiến, hy sinh. Sự quan tâm, động viên kịp thời của tỉnh, của ngành sẽ giúp cho các thầy cô nỗ lực vượt khó, tiếp tục hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, tận tâm, tận lực mang tri thức đến cho học trò vùng khó khăn.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết