Xây dựng thương hiệu - nâng cao giá trị cây quế Lào Cai

15:22 21-07-2019 | :2032

Laocaitv.vn - Trung bình mỗi ha trồng quế đạt 10 năm tuổi, nông dân có thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng. Với khoản thu lớn, nhiều nông dân trong tỉnh đã chủ động mở rộng diện tích trồng quế. Tuy nhiên, những vùng nào có thể trồng được quế và chất lượng tinh dầu quế như thế nào đang là câu hỏi được đặt ra, cần phải tính kỹ, gắn với công tác quy hoạch để những vùng trồng quế đảm bảo chất lượng và đầu ra, thực sự giúp nông dân làm giàu bền vững.

Cây quế mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

10 năm trước, diện tích đất đồi chủ yếu trồng sắn, giờ đây đã được thay bằng trồng quế, phong trào trồng quế thay sắn được triển khai rộng khắp, đã giúp huyện Bảo Yên đạt tỷ lệ tán che phủ rừng trên 55%. Gần 15.000 ha quế đang được nông dân chăm sóc, hàng năm, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Thanh, bản Đao, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Trong nhiều loại cây thì quế vẫn cho thu nhập tốt nhất, tỉa cành lá bán hàng năm cũng có tiền. Từ khi chuyển sang trồng quế, kinh tế gia đình tôi bớt khó khăn hơn trước nhiều. Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích quế và phát triển thành cây chủ lực”.

Theo quy hoạch vùng trồng quế và hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020, vùng trồng quế của địa phương là 50 xã thuộc 4 huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn và Bắc Hà với tổng diện tích là 25.000 ha. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích quế của toàn tỉnh đã đạt đến 26.600 ha, vượt xa quy hoạch của tỉnh. Từ vùng quế Nậm Đét huyện Bắc Hà được hình thành cách đây hơn 50 năm, đến nay, Lào Cai đã có diện tích quế đủ lớn để xây dựng các cơ sở chế biến sâu. Đồng thời, hướng đến việc xây dựng các vùng quế theo tiêu chuẩn hữu cơ để nâng cao giá trị xuất khẩu. Ông Bàn A San, Chủ tịch UBND xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà cho biết: “Bây giờ không còn đất trồng nên bà con tập trung duy trì chất lượng quế lâu năm để đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ. Cùng với đó, xã đã tuyên truyền các tổ nhóm thực hiện tốt cách phòng trừ sâu bệnh, cách làm cỏ, vun cỏ, không dùng thuốc trừ cỏ, không dùng thuốc sâu; trồng có quy mô, quy hoạch, có sơ đồ, bản đồ, thu hoạch có sổ sách ghi chép và hàng năm thì có đánh giá, góp phần phát triển cây quế một cách bền vững tại địa phương”.

Tổng giá trị từ cây quế mang lại cho nông dân toàn tỉnh trong năm 2018 đạt gần 200 tỷ đồng.

Qua đánh giá, rà soát của ngành Nông nghiệp, đến thời điểm hiện tại, Lào Cai có 6 nhà máy chế biến tinh dầu quế. Năm 2018, các nhà máy đã thu mua đến gần 43.000 tấn cành, lá quế để trưng cất tinh dầu. Đồng thời, thu mua trên 5.000 tấn vỏ quế các loại. Cũng theo đánh giá, tổng giá trị từ cây quế mang lại cho nông dân toàn tỉnh trong năm 2018 đạt gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian tới vấn đề đặt ra là phải tổ chức lại sản xuất để cây quế phát triển bền vững và thực sự là cây lâm nghiệp làm giàu cho nông dân. Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Để phát triển cây quế bền vững và ổn định thì cần phải tổ chức lại sản xuất là khâu quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Và từ đó sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm, ổn định thị trường, sẽ quyết định cho sản phẩm phát triển lâu dài, qua đó thúc đẩy ngành hàng quế phát triển hiệu quả”.

Lào Cai cần quy hoạch lại vùng trồng quế gắn với chế biến.

Theo tính toán, trong cùng một giai đoạn chăm sóc từ 13 - 15 năm, nếu trồng cây mỡ, cây keo, hay bồ đề, nông dân cũng chỉ đạt thu nhập tối đa lên đến 200 triệu đồng, nhưng nếu trồng quế có thể đạt đến 700 triệu đồng. Như vậy, việc trồng quế đang mang lại giá trị cao gấp từ 4 - 5 lần so với các loại cây lâm nghiệp khác trong cùng một công chăm sóc. Với hiệu quả kinh tế cây quế mang lại, Lào Cai cần phải điều chỉnh quy hoạch vùng trồng quế phù hợp, gắn với cơ sở chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cây quế Lào Cai.

Ngọc Hà – Nông Quý – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết