Laocaitv.vn - Thay đổi phương thức xử lý chất thải chăn nuôi bằng những mô hình nhỏ, dễ làm nhưng hiệu quả đang được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chú trọng, vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nông dân, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Laocaitv.vn - Thay đổi phương thức xử lý chất thải chăn nuôi bằng những mô hình nhỏ, dễ làm nhưng hiệu quả đang được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh chú trọng, vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nông dân, vừa đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Mô hình chăn nuôi gà an toàn bằng đệm lót sinh học của gia đình bà Nguyễn Thị Lý.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lý là một trong những hộ đầu tiên áp dụng quy trình chăn nuôi gà an toàn bằng đệm lót sinh học do Hội Nông dân xã Xuân Quang tổ chức. Được hỗ trợ vốn, kỹ thuật nên quy mô chăn nuôi của gia đình không chỉ tăng về số lượng, hiệu quả kinh tế, mà vấn đề môi trường chăn nuôi cũng được xử lý tốt. "Từ năm ngoái làm theo mô hình này thì cũng nuôi được, không tốn sức phải dọn phân, gà thì chóng lớn hơn nhiều", bà Nguyễn Thị Lý, thôn Làng Lân, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết.
Thay đổi phương thức xử lý chất thải chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Xã Xuân Quang hiện có 1.700 hộ chăn nuôi gà. Từ các mô hình hỗ trợ của Dự án xử lý rác thải trong chăn nuôi, Hội Nông dân xã đã triển khai đến 9/19 chi hội nông dân trong toàn xã, được các hộ chăn nuôi hưởng ứng. Sau một thời gian triển khai dự án đã thu được kết quả khả quan. "Nhờ có mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học thì cải thiện môi trường rất tốt. Khi đến gần thì sẽ không còn mùi, giúp gà lớn nhanh, khỏe mạnh, hạn chế sử dụng thuốc thú y trên đàn gà, trong khi chất lượng thịt được cải thiện, bán được giá hơn", bà Trần Thị Mai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho hay.
Sau 2 năm triển khai Dự án xử lý rác thải chăn nuôi, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ 450 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thân thiện với môi trường bằng các phương pháp như: Lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; nuôi sâu can xi... tại 9 xã của 3 huyện Bát Xát, Bảo Yên và Bảo Thắng. Trong đó, đã bàn giao chế phẩm cùng với máy băm cỏ, thùng đựng rác hữu cơ, vật tư, thiết bị, giống trùn quế và sâu canxi cho hộ dân để thực hiện. Dự án còn vận động được hơn 300 hộ dân khác cùng tham gia. "Từ hiệu quả kinh tế, môi trường mang lại cho người dân, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên ở 3 huyện này và sẽ triển khai, nhân rộng các mô hình ở các địa phương để tăng hiệu quả kinh tế cho hội viên nông dân trong toàn tỉnh", ông Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói.
Các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi thân thiện với môi trường bước đầu cho hiệu quả thiết thực, không chỉ đảm bảo quy trình chăn nuôi khép kín, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, mà còn tạo nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho cây trồng, vật nuôi, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn hiện nay.
Quang Ánh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết